EU cần đầu tư lớn để bắt kịp các đối thủ toàn cầu
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) kết hợp chính sách và đưa ra những quyết định nhanh hơn để thúc đẩy kinh tế khu vực bắt kịp Mỹ và Trung Quốc.
Theo đề nghị của Ủy ban châu Âu (EC), ông Mario Draghi đã soạn thảo báo cáo trong 1 năm qua, đề xuất cách thức giúp EU tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế số vào thời điểm toàn cầu có nhiều biến động. Báo cáo dài gần 400 trang này được giới thiệu vào ngày 9.9, trong đó đề cập đến 5 điểm chính.
Nợ chung - cách thức để hỗ trợ tài chính cho nhu cầu của EU
Theo báo cáo này, châu Âu cần huy động được ít nhất 750 - 800 tỷ euro/năm để bắt kịp các đối thủ như Mỹ hay Trung Quốc. Ông Mario Draghi cho rằng, khoản vay chung này nên được sử dụng thường xuyên để đáp ứng các nhu cầu của khối trong quá trình chuyển đổi xanh - số, cũng như dùng cho việc nâng cao năng lực phòng thủ.
Báo cáo này cảnh báo, nếu những tài sản công như đường dây điện, viễn thông, thiết bị quốc phòng được nghiên cứu và phát minh trong quốc phòng không nhận được sự hỗ trợ chung thì tất cả đều đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.
“Vấn đề Trung Quốc”
Trung Quốc liên tục xuất hiện trong các phân tích của cựu Thủ tướng Italy như là đối tác, đối thủ kinh tế và cũng là “mối đe dọa”. Ông Mario Draghi cho rằng, sự lệ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Quốc có thể giúp châu Âu hoàn thành các mục tiêu phi carbon hóa nhanh hơn và đỡ tốn kém hơn, nhưng cũng đe dọa đến các ngành công nghiệp ô tô và công nghệ sạch của khối này.
Vị giáo sư này cũng đề xuất, EU phải tiếp tục giảm sự lệ thuộc về kinh tế để tăng cường an ninh nội khối, đồng thời cảnh báo châu Âu đang phụ thuộc vào một số nhà cung cấp các nguyên liệu thiết yếu và công nghệ số.
Ông Mario Draghi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo hôm 9.9. Ảnh: Aurore Martignoni/CCE
Giữ các công ty ở lại với EU
Châu Âu phải khẩn cấp tái tập trung những nỗ lực tập thể nhằm thu hẹp khoảng cách về sáng chế với Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. “Vấn đề không phải là châu Âu thiếu ý tưởng hay tham vọng, mà là việc sáng chế bị nghẽn ở giai đoạn tiếp theo, đó là không thể thương mại hóa sáng chế”, ông nói.
Trong 5 thập kỷ qua, không có công ty châu Âu nào được thành lập từ đầu mà có giá trị hơn 100 tỷ euro. Tính từ năm 2008, có đến 30% công ty kỳ lân ở châu Âu rời khỏi khối vì không thể mở rộng tại lục địa này. Với việc thế giới đang ở trong cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI), châu Âu phải giải phóng tiềm năng sáng tạo, bao gồm cả việc đầu tư cho con người để đáp ứng những tham vọng.
Tập trung cho công nghiệp
Trong báo cáo, ông Mario Draghi nhắc đi nhắc lại về việc châu Âu cần phải có chiến lược cho công nghiệp. “Các chiến lược công nghiệp hiện nay, như chúng ta thấy ở Mỹ và Trung Quốc, kết hợp nhiều chính sách với nhau, bao gồm thuế, thương mại và chính sách đối ngoại. Ví dụ tiêu biểu là lĩnh vực sản xuất ô tô, trong đó châu Âu đưa ra quy định đầy tham vọng là loại bỏ các phương tiện sử dụng xăng, dầu truyền thống trong hơn 10 năm, nhưng các nhà sản xuất trong khối cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt với làn sóng xe điện Trung Quốc được trợ giá.
Quy trình ra quyết sách cần được cải tổ
Loại bỏ thói quan liêu và làm cho các quy định liên quan đến ban hành quyết sách trở nên hiệu quả hơn. Theo tác giả, một trong những rào cản của châu Âu là quy trình ra chính sách chậm chạp và phức tạp, khiến các bên phải mất trung bình 19 tháng để nhất trí về các luật mới và thường bị phủ quyết nhiều lần trong quá trình đó.
Nhìn chung, báo cáo của Cựu Chủ tịch ECB giành được sự chú ý cần thiết nhưng tác động lâu dài thì vẫn chưa rõ ràng. Những đề xuất của ông trong báo cáo này cũng nhiều lần được đề cập trước đó và bị chính các thành viên EU phủ quyết. Trong bối cảnh chính phủ nhiều nước EU đang chứng kiến sự nổi lên của phe cực hữu, nhất là ở Đức và Pháp, thật khó có thể thấy được thay đổi.
LÊ QUẢNG (Theo euronews)