Còn đó nỗi lo chênh lệch giới tính
Bình Định là một trong những địa phương có sự mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) rõ rệt. Dù đã có nhiều nỗ lực, nhất là trong công tác tuyên truyền, nhưng tỉ số GTKS vẫn như một con ngựa bất kham.
Tỉ số GTKS là một chỉ số nhân khẩu học phản ánh cơ cấu giới tính của một bộ phận dân số, tỉ số GTKS được các nhà nhân khẩu học rất quan tâm. Tỉ số GTKS được xác định bằng số trẻ em trai được sinh trên 100 trẻ em gái. Tỉ số này thông thường là từ 103 đến 107 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái.
Bình Định là một trong những địa phương có sự mất cân bằng giới tính khi sinh rõ rệt.
- Trong ảnh: Chăm sóc trẻ sơ sinh ở Trung tâm Y tế huyện An Lão.
Vẫn còn định kiến thiên lệch con trai !
Cách đây không lâu, khoa Phụ sản (BVĐK tỉnh) tiếp nhận mổ cấp cứu cho một sản phụ tên Nguyễn Thị H. - sinh non con thứ 4 với triệu chứng của bệnh tăng huyết áp nặng. 38 tuổi, nhưng chị H. đã có 3 đứa con gái. Chị bảo, đến lần này vợ chồng chị “canh” miết, chỉ với hy vọng “có được con trai”. Gia đình nhà nội, ngoại không gây sức ép gì, lửng lơ “có cũng được, không có cũng được”. Nhưng chồng chị thì kiên quyết phải có con trai, cho có người nối dõi. Đến phút cuối sinh đứa thứ 4, vợ rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh”, anh chồng mới chấp nhận thôi thì chịu con gái vậy.
Đó không phải là trường hợp cá biệt. Một số cặp vợ chồng đã chủ động tìm kiếm kỹ thuật lựa chọn giới tính trước sinh ngay từ lần sinh đầu tiên. Nếu chưa được như mong muốn, họ sẽ tìm kiếm dịch vụ trong những lần có thai sau.
Những năm gần đây, tỉ số GTKS ở Bình Định luôn ở mức cao. Năm 2007, tỉ số GTKS của Bình Định là 114, năm sau đã lên đến 117. Đến năm 2010, tỉ số này là 116,3. Năm 2012, tỉ số này còn 112,4, nhưng đến năm 2013 lại tăng lên 115,8. Cùng các thời điểm trên, tỉ số GTKS của cả nước là 112 - 113 - 111,2 - 112,3 - 112,5.
“Tỉ số GTKS của cả nước nói chung và Bình Định nói riêng đã vượt khá xa tỉ số GTKS theo quy luật sinh sản tự nhiên. Hiện giờ, tỉ số GTKS của chúng ta đã vượt tỉ số GTKS của Trung Quốc vào năm 1989 là 111,9 - thời điểm nước này rơi vào tình trạng mất cân bằng GTKS”, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Quang lo ngại.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân hàng đầu khiến tỉ số GTKS vẫn ở mức “ngất ngưởng” là ảnh hưởng từ tư tưởng coi trọng việc nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ… trong đó vai trò của người con trai rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Văn Quang, một nguyên nhân không kém phần quan trọng là do nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều vùng nông thôn cần có sức lao động cơ bắp của nam giới. Bình Định có 32 xã xen biển, xã đảo có dân số chiếm 30% dân số toàn tỉnh, có tỉ lệ lao động đánh bắt hải sản xa bờ cao, tâm lý cần có con trai của người dân không phải dễ thay đổi.
Cũng cần thấy rằng, một nguyên nhân khác, không kém phần quan trọng khiến người ta phải đi cho được con trai là do hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi ở ta còn kém, nhất là ở các khu vực nông thôn. Đáng chú ý, 76% dân số của Bình Định đang sống ở khu vực nông thôn. Tại khu vực này, hầu hết người già không có lương hưu, sản xuất nông nghiệp với năng suất lao động thấp nên cha mẹ thường không có tích lũy để dành tuổi già. Cuộc sống về già đều trông chờ vào sự phụng dưỡng của con cái, nhất là con trai.
Truyền thông có vai trò quan trọng
Trong nỗ lực hạ tỉ số GTKS, công tác truyền thông được xác định có vai trò quan trọng nhất. Bà Từ Thị Hà, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện An Lão, cho biết: “Ở 5 xã của huyện An Lão có triển khai Đề án Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS, công tác truyền thông vẫn được duy trì. Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, việc thu hẹp phạm vi truyền thông là khó tránh khỏi, nhưng bù lại chúng tôi chú trọng chiều sâu của từng buổi sinh hoạt tại các thôn”.
Năm 2013, Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức 1 lớp tập huấn về truyền thông giảm thiểu mất cân bằng GTKS dành cho 22 báo cáo viên tuyến huyện là viên chức của các Trung tâm DS-KHHGĐ. Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 14 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh cho 450 cán bộ y tế xã, chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã, nhân viên y tế thôn và cộng tác viên dân số, giúp họ thực hiện tuyên truyền, tư vấn tại cộng đồng được thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông tại cộng đồng với hình thức nói chuyện chuyên đề cũng được chú trọng. Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề về Đề án Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS cho các lớp trung cấp Chính trị - Hành chính. Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp xã tổ chức được 254 buổi nói chuyện chuyên đề ở 159 xã nhằm cung cấp thông tin cho hơn 7.800 người biết được về Đề án và một số nội dung về giới và GTKS, các văn bản quy định liên quan đến giới và GTKS; những tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến GTKS cần phải được hạn chế và loại bỏ; hậu quả của mất cân bằng GTKS; bình đẳng giới.
Tại các xã có triển khai thực hiện Đề án Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS đã xây dựng và duy trì hoạt động của 123 câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Trong năm 2013, các câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt 294 buổi về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, kiến thức về giới và GTKS kết hợp với các kiến thức chăn nuôi, trồng trọt…
Trước thực tế tỉ số GTKS vẫn còn ở mức cao, vai trò của cán bộ DS-KHHGĐ trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cần được cải thiện hơn nữa. Trong tuần sau, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tổ chức khóa tập huấn kiểm soát mất cân bằng GTKS dành cho các báo cáo viên cấp huyện. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như tình hình phá thai ở Việt Nam và các giải pháp giảm phá thai, một số quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, một số nội dung về cơ cấu và chất lượng dân số…
Bảng so sánh tỉ số GTKS ở Bình Định và Việt Nam:
(Nguồn: Tổng cục DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bình Định).
MAI HOÀNG