Ngại gì núi cao!
Người thầy giáo ấy tên Nguyễn Văn Sơn. Bằng nghị lực phi thường, từ một cậu bé khuyết tật ở thôn Vĩnh Hy, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Nguyễn Văn Sơn đã trở thành thầy giáo của nhiều người khuyết tật tại Chi hội Nguyễn Nga (thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh).
Gập ghềnh kiếm chữ
Sơn sinh năm 1983, bị khuyết tật vận động sau cơn sốt bại liệt khi vừa 1 tuổi. Ở nhà nhìn các bạn đồng trang lứa cắp sách đến trường, Sơn thèm lắm. Vậy là ông nội bày ra sách, vở, bút viết để dạy Sơn. Năm này qua năm khác, cậu bé vẫn cặm cụi học ở nhà. Thấy đứa nhỏ tật nguyền có chí và sáng dạ, một thầy giáo trường làng gợi ý cho Sơn đến trường học cùng các bạn, với điều kiện phải vượt qua kỳ sát hạch môn Toán và Tiếng Việt lớp 4 do nhà trường tổ chức. Sơn hoàn thành các bài kiểm tra “ngon ơ” và chính thức được nhận vào học lớp 4. 14 tuổi, Sơn trải qua bước ngoặt quan trọng đầu tiên.
Trường tiểu học cách nhà hai cây số, ba của Sơn làm một chiếc xe độ chế để các bạn kéo Sơn đi học. Lên cấp 2, Sơn được tặng xe lắc, tự đi lại được, nhưng do chỉ lắc được một tay, nên vẫn rất mệt. Hết cấp 2, gia đình khuyến khích Sơn đi học tiếp, nhưng vì quá tuổi nên Sơn phải chuyển sang hệ bổ túc ở Trường THPT Xuân Diệu. Lúc này ba mẹ phải thay nhau đưa Sơn vào thị trấn Tuy Phước học.
Tốt nghiệp cấp 3, đường học vấn đứt đoạn. Chàng trai tự xuống Quy Nhơn xin học nghề vi tính, nhưng nhìn tay ngắm chân của Sơn, ai cũng ái ngại lắc đầu. “Năm lần bảy lượt thất bại như thế, tôi về nhà, gác tay lên trán nghĩ ngợi mình phải làm gì. Nghĩ, nghĩ đến phát ốm. Rồi, một người anh khuyên tôi cố gắng thi đại học, biết đâu sẽ có con đường khác”, anh Sơn nhớ lại.
Sơn quyết định đi thi đại học. Bước ngoặt thứ hai của anh bắt đầu khi anh trở thành sinh viên ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Quang Trung. Cả nhà chắt mót sắm cho Sơn chiếc xe 3 bánh có động cơ, để đường đến trường hơn 10 cây số đỡ cực nhọc hơn. Ngày nắng cũng như mưa, chàng sinh viên khuyết tật không bỏ buổi học nào. Sơn bảo, lúc ấy chẳng hiểu sao mình khỏe lắm, đến đau ốm vặt cũng không.
Học ngành Công nghệ thông tin, không có máy tính nên năm học đầu tiên, hôm nào có giờ thực hành, Sơn cũng năn nỉ thầy cho “ngồi máy” nhiều hơn các bạn. Đến năm 2010, Sơn được chương trình “Đường đến ước mơ” tặng một máy tính xách tay. Tay yếu, không thể viết kịp bạn bè, nên Sơn “chế” ra những ký tự viết tắt cho riêng mình. Vậy mà, năm học nào môn chuyên ngành của Sơn cũng đạt điểm cao.
Tiếp lửa
Anh Sơn kể, trong một lần gọi tổng đài 1080 để xin số điện thoại của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh để xin hỗ trợ đi học đại học, anh lại được giới thiệu nhầm qua địa chỉ 91A Đống Đa, TP Quy Nhơn của Chi hội Nguyễn Nga. “Duyên nợ” của thầy giáo Sơn với những học viên khuyết tật bắt đầu từ đó. Ước mơ học xong ra dạy tin học cho người khuyết tật của Sơn cũng được hiện thực.
Năm 2012, Sơn tốt nghiệp đại học, bắt đầu gắn bó với Chi hội Nguyễn Nga. Website của Chi hội Nguyễn Nga - sản phẩm đầu tay của Sơn lại bị hỏng. Nhưng rồi, từ thất bại đầu tiên đó, những người khuyết tật ở đây mới chứng kiến tâm huyết của anh dành cho những người cùng cảnh ngộ. Sơn bắt tay vào nghiên cứu giáo trình dạy tin học cho người khiếm thị. 4 tháng ôm giáo trình nghiên cứu, làm kiểu gì cũng bị lỗi, lại sửa, lại lỗi. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn. Anh phải tự nhắm mắt như một người khiếm thị mà cảm nhận bàn phím và từng động tác. Tháng 6.2013, anh chính thức cho ra mắt giáo trình. Lần đầu biết đến máy tính, trò háo hức khám phá, đụng gì cũng hỏi, đụng gì cũng muốn biết, muốn làm nên thầy Sơn phải vừa dạy vừa học. “Bây giờ thì ổn rồi, các bạn khiếm thị trong nhóm nhạc AHF có thể tải nhạc, làm nhạc và cắt ghép nhạc. Không gì vui bằng!”, Sơn chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Chi hội trưởng Chi hội Nguyễn Nga, nói về thầy giáo Sơn bằng một niềm tự hào và sự khâm phục: “Sơn là một người rất giỏi, rất sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết. Tuy là một người khuyết tật, nhưng không mặc cảm, tự ti. Sơn là một tấm gương chứng minh cho mọi người thấy người khuyết tật vẫn có thể thực hiện ước mơ nếu nỗ lực hết mình”, chị Nga chia sẻ.
Mỗi tháng được 1,5 triệu đồng tiền lương, tôi bảo vậy là chỉ đủ tiền đổ xăng đi về Tuy Phước - Quy Nhơn mỗi ngày thì chàng trai này chỉ cười. Không chỉ ở Chi hội Nguyễn Nga, học trò của thầy giáo 31 tuổi này còn là những người khuyết tật ở địa phương. Trong giờ học, Sơn không chỉ là giáo viên, mà còn là một người anh, người bạn tỉ tê trò chuyện để giúp những bạn trẻ vượt qua mặc cảm tật nguyền.
Hiện nay, Sơn đang phụ trách nhóm các bạn sinh viên khuyết tật yêu thích công nghệ thông tin. Nhóm thường xuyên sinh hoạt, chia sẻ những kinh nghiệm, động viên nhau cùng sống tốt. Và, dự định của anh là sẽ mở một cửa hàng liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, tạo việc làm cho các bạn. Chúc cho anh thành công với tâm nguyện của mình…
Tại chương trình “Đường đến ước mơ” được Đài PT-TH Bình Định tổ chức vào cuối tháng 8.2014, thầy giáo Nguyễn Văn Sơn đã tặng cô học sinh bị tật một bên mắt Cao Ái Linh (huyện Hoài Nhơn) quyển sách “Cuộc sống không giới hạn” của Nick Vujicic. Sơn bảo đó là quyển sách mình yêu thích, tặng cho Linh như một sự chia sẻ và gửi gắm cho em một con đường, một ước mơ. Đó là hạnh phúc không phải ai cũng có được. “Đã nghĩ được gì thì phải bắt tay vào làm, chưa nói là thành công, nhưng hãy cứ làm, rồi cũng sẽ đi đến cùng”, anh khẳng định.
THU HIỀN