Chưa hết lo
Cuối cùng, sau những thắc thỏm đợi chờ, phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 cũng được Bộ GD&ĐT công bố. Phương án thi đã chốt, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo mà không khó để nhận ra từ một “quyết sách” ra đời trong thời gian ngắn ngủi giữa những “lời chì tiếng bấc”.
Theo phương án mới, ngoài 4 môn thi tối thiểu để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Vậy nhưng, đặt ra trường hợp, nếu các trường ĐH yêu cầu thí sinh thi thêm các môn mà Bộ đã cho thi trong kỳ thi quốc gia, thì áp lực thi cử với thí sinh vẫn chẳng kém gì so với việc trải qua 2 kỳ thi như trước đây. Về vấn đề này, PGS Văn Như Cương - một người rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, cho rằng Bộ GD&ĐT nên quy định hạn chế việc các trường tổ chức thi thêm môn thi nằm trong các môn của kỳ thi THPT quốc gia. Bởi nếu các trường thi thêm quá nhiều thì sẽ gây cồng kềnh, tốn kém cho xã hội.
Bên cạnh đó là những tình huống mà phương án thi chưa thể lường hết. Bộ GD&ĐT khẳng định một điểm mới rất “ưu việt”: thí sinh sẽ đăng ký ngành học sau khi thi THPT quốc gia. Vậy nhưng, mỗi em sẽ được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng? Thêm nữa, các trường ĐH, CĐ công bố điểm xét tuyển trước hay sau thời điểm học sinh nộp hồ sơ đăng ký? Nếu thí sinh nộp trước để trường lấy làm căn cứ, sau đó công bố điểm xét tuyển, thì làm sao học sinh biết được trường nào có điểm xét tuyển phù hợp với điểm của mình mà ghi nguyện vọng?
Hơn nữa, trong phương án của Bộ, 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thế nhưng lại “chua” thêm rằng trường nào dạy ngoại ngữ không tốt thì học sinh được chọn môn thay thế. Vậy cuối cùng, Ngoại ngữ là môn bắt buộc hay tự chọn? Ai là người có quyền quyết định trường nào dạy Ngoại ngữ không tốt để học sinh có thể chọn môn thi khác?
Dư luận phần lớn đồng tình với phương án thi do Bộ GD&ĐT công bố. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận cách tổ chức thi và sử dụng kết quả thi vào xét tốt nghiệp và tuyển sinh đều chưa tường minh. Không chỉ nhà trường mà cả toàn xã hội đang chờ đợi các văn bản hướng dẫn của Bộ. Và, trong thời gian đợi chờ, cả thầy lẫn trò vẫn còn vừa dạy vừa học vừa lo.
Năm học 2014-2015 bắt đầu, học sinh tiểu học không còn ám ảnh bởi câu hỏi “Hôm nay con được mấy điểm” khi vừa bước chân về nhà. Ở bậc học cao hơn, nhất thiết cũng phải “vĩnh biệt” với tư duy phải vào đại học cho bằng được. Thầy cô, trường lớp phải tạo cho học sinh tâm thế học là để biết cách chọn cho mình con đường vào đời một cách sáng suốt nhất. Có lẽ, đó mới là cái đích cuối cùng của sự đổi mới.
MAI HOÀNG