Khi tình mẫu tử bị chối bỏ
Chừng hơn 7 giờ sáng, cha con ông T.C.V (*) (ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) đã có mặt ở tòa. Sân tòa vắng hoe. Con trai ông, cháu N. (10 tuổi) lẽo đẽo theo sau cha, tay cầm chai vỏ thuốc nhỏ mắt, chốc chốc hít hít, ngửi ngửi. N. có gương mặt điển hình của người mắc chứng Down, da dẻ xanh xao, bộ quần áo thun trắng nhàu nhĩ. Cha chăm con, dẫu có kỹ đến mấy, cũng đâu thể chu đáo như mẹ. Mà N. thì từ lúc lọt lòng đến nay, chưa từng được mẹ chăm…
Giáp mặt
Ông V. ngồi thừ ở băng ghế ở sảnh tòa. Mắt ông có chút ánh lên khi thấy một người phụ nữ cao cao bước về phía phòng xử án. Thấy N., bà kéo cháu lại. N. vội giằng ra, sợ hãi, chạy thật nhanh về phía cha. Bà quay lưng bước vào khán phòng, ngồi thẳng và chẳng mấy khi nhìn về phía ghế nơi N. đang ngồi cùng cha.
Phiên xử bắt đầu.
Chủ tọa phiên tòa công bố theo thủ tục. Hôm nay, ngày…tháng… năm, TAND TP Quy Nhơn mở phiên tòa xử dân sự về việc ông V. khởi kiện ra tòa đòi thay đổi trực tiếp quyền nuôi con. Bị đơn là bà C., đồng thời là mẹ ruột của N.
Nguyên đơn trình bày: Tôi và bà T. kết hôn năm 2003. Năm 2004, bà T. sinh bé N. nhưng cháu mắc hội chứng Down bẩm sinh. Năm 2005, bà ấy xin ly hôn. Ban đầu, tôi không chịu vì nghĩ N. còn quá nhỏ, rất cần tình thương của mẹ. Lên phúc thẩm, tôi cũng không chịu ly hôn nhưng thẩm phán động viên, thôi anh cứ nhận cháu về nuôi đi, chứ tôi không nỡ giao cháu cho một bà mẹ như thế.
Ban đầu, bà T. cấp dưỡng 200 ngàn đồng/tháng cho con. N. thể chất yếu ớt, ốm đau quặt quẹo, ông C. không có việc làm ổn định nên hai lần làm đơn đề nghị thay đổi mức cấp dưỡng 350 ngàn đồng/tháng, rồi lên 600 ngàn đồng/tháng.
“Chưa bao giờ bà ấy tự nguyện đưa thêm tiền cả mà phải chờ tôi yêu cầu…”-ông V. tiếp tục câu chuyện - “Con ốm liên miên, phải túc trực 24/24 giờ. Tôi đi làm thì bỏ con, chăm con thì bỏ làm. Bí quá tôi làm đơn đề nghị bà ấy nuôi con để tôi đi kiếm tiền, tôi sẽ cấp dưỡng 1 triệu đồng/tháng. Tôi đi chặt củi về bán, rồi nuôi gà, nấu rượu, không có nhà phải lên núi ở. Tính thằng bé thích chạy lung tung, gọi không thưa nên tôi rất sợ nó lạc. Đã có lần N. suýt chết đuối trong hố nước ở rừng. Giờ mỗi khi chặt củi, tôi dẫn N. theo và xích ở một gốc cây gần đó rồi mới làm”.
Rồi người đàn ông gần 60 tuổi bật khóc: “Lúc nãy, giá mà bà ấy mang cho nó hộp sữa, bì bánh, hay chạy lại ôm nó một cái, tỏ tình thương của người mẹ tôi thấy cũng an ủi phần nào. Đằng này... Tôi đau lòng quá! Gần 10 năm nay, cô ấy chưa bao giờ thăm con lấy một lần”.
Dứt tình mẫu tử
Tình mẫu tử có cần kêu gọi không? Câu trả lời là không. Bởi lẽ, yêu thương, ôm ấp, chở che đã là bản năng của người mẹ. Vậy mà, trong phiên tòa, HĐXX đã nhiều lần kêu gọi tình thương của người mẹ, nhưng bà T. vẫn không chịu nhận nuôi con.
HĐXX hỏi: “Nếu cháu N. vẫn ở với cha thì chị có chịu cấp dưỡng không?”. Câu trả lời cũng “Không”. “Lâu nay, tiền cấp dưỡng nuôi con là do người chồng hiện nay của tôi cho (bà T. kết hôn lại năm 2006 - P.V). Giờ ổng đau bệnh liên miên, thuốc men tốn kém, làm gì có tiền”, bà T. giải thích. “Có khi nào chị nghĩ đến việc phải có nghĩa vụ chăm đứa con bị tật này không?”- câu hỏi của HĐXX như rơi vào thinh không, nhưng nó như lằn roi cứa ngang ngực người dự khán. Đau nhức!.
Một nữ hội thẩm nữ: “Vậy chị không thương con, không có trách nhiệm với đứa con của mình đẻ ra chút nào sao?”. - “Thì năm 2005, tôi đi thăm nó hai lần nhưng bị ổng ngăn cản, đánh đập nên từ đó không đến nữa. Hồi nãy, tôi cũng chạy lại định ôm nó, nhưng nó giằng ra, rồi chạy mất. Chắc do ở lâu với ba nên nó quen rồi (!)”- bà T. phân trần.
Mặc cho cha, mẹ đối chất trên công đường, N. hết ngồi lại nằm ở băng ghế. Rồi tha thẩn nghịch dép, lân la khoé cửa. Tôi hỏi: “Ai kia?” - “Ba”, N. cười ngỏn ngoẻn. “Còn kia?”. - “Cô đứng”- N. đưa ánh mắt e dè về phía mẹ.
Người cha theo quán tính chừng mươi phút lại quay xuống ngó ngang thăm chừng con. Nhác thấy con ôm bụng, ông lật đật dẫn con vào nhà vệ sinh rồi tất tả quay lại phòng xử án.
Người cha nhìn đứa con bệnh tật, ứa lệ: “Nó bị bệnh đau bụng quanh năm. Tôi dẫn đi khám trong TP Hồ Chí Minh mà vẫn không ăn thua. Răng không có, cháu hầu như chỉ ăn được cháo dinh dưỡng thôi, cho ăn mỗi bữa mất 2-3 tiếng đồng hồ. Trước, tôi cũng có đem gửi cháu ở Trường chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn, nhưng phần tốn kém quá, phần lại đưa đi rước về hơn chục cây số nên thôi. Nếu có chỗ nhận giữ nó, tôi mới yên tâm đi làm”.
Trước khi tòa vào nghị án, chủ tọa phiên tòa hỏi lần cuối cùng về quyết định của bà T. đối với đứa con. Câu trả lời vẫn: “Không”.
HĐXX tuyên bác đơn của ông V., tiếp tục giao cháu N. cho ông nuôi dưỡng. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phân tích thêm: “Chúng tôi phải ưu tiên cho quyền lợi của cháu bé. Ông nuôi con từ lúc ba tháng tuổi đến nay, một tay lo liệu, liệu ông có thể đành lòng giao cháu cho một người không muốn nhận?”.
Phiên tòa kết thúc, bà T. đi như chạy, không một lần ngoảnh lại nhìn con. Ông V. dắt con lặng lẽ rời khán phòng. Đến cửa, ông nói với tôi: “Giận cô ấy không có tình mẫu tử, tôi mới làm đơn. Chứ nói thật, chặt đầu bắt tôi giao con, tôi còn không chịu, nữa là cô ấy đã từng nói nếu bị buộc phải nuôi, cô ấy sẽ đem giao cho trung tâm bảo trợ xã hội”.
Hai cha con lầm lũi rời tòa. Tôi chợt nhớ đến cái cách bé N. nép người vào tôi như tìm kiếm hơi ấm, thỏ thẻ hỏi hết cái nọ đến cái kia. Tình thương của cha bao la đến mấy vẫn không thể nào bù vào sự ấm áp, dịu dàng của tình mẹ…
NGUYỄN SƠN
------------------------------
* Vì lý do tế nhị, chúng tôi không nêu tên thật của nhân vật trong bài viết.
đọc mà ứa nước mắt