Ghi dấu sức trẻ trên những công trình xây dựng quê hương
Với phương châm “góp sức trẻ xây dựng quê hương”, trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, các cấp Hội LHTN Việt Nam trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều công trình mang lại lợi ích thiết thực, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người dân địa phương.
Thiết thực hướng về cộng đồng
Xuyên suốt nhiệm kỳ, nhiều công trình dân sinh đã được các cấp hội chọn thực hiện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn. Công trình “Đưa nước sạch về làng Kà Nâu”, ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh do Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam thực hiện vào đầu nhiệm kỳ là một ví dụ.
Hội LHTN Việt Nam TX An Nhơn bàn giao nhà khăn quàng đỏ cho gia đình em Nguyễn Thị Thanh Hiền (xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn). Ảnh: Hội LHTN Việt Nam TX An Nhơn
Ngày trước, người dân ở làng Kà Nâu phải ra suối lấy nước để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Hiểu điều ấy, Hội LHTN Việt Nam tỉnh cùng nhà tài trợ quyết định đưa nước về làng bằng cách huy động hàng chục đoàn viên, hội viên ở xã cùng người dân phát rừng, mở đường; góp công xây bể nước tập trung bằng xi măng ở đầu nguồn suối Túa, lắp đặt tuyến ống dẫn từ bể tập trung men theo con đường dốc về các bể chứa trong làng.
Không chỉ nước sạch, các công trình “Thắp sáng đường quê” cũng được xây dựng ngày càng nhiều theo thời gian, tập trung chủ yếu tại các tuyến đường nông thôn và những điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Tình nguyện hỗ trợ, cùng tổ chức hội các cấp xây dựng 10 công trình “Thắp sáng đường quê” với tổng trị giá gần 700 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Hưng (thành viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Hưng Lợi), cho biết: “Là thành viên của hội, tôi luôn mong muốn góp một phần sức mình, mang ánh sáng đến thôn, làng xa xôi hay xã đảo còn lắm khó khăn. Đến nay, công trình mang đậm dấu ấn thanh niên này đã có mặt ở Nhơn Châu hay An Lão”.
Song song với các công trình dân sinh, các cấp hội tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các công trình số, nổi bật là “Số hóa địa chỉ đỏ”.
Là đơn vị mới nhất ra mắt công trình vào cuối tháng 8, Hội LHTN Việt Nam huyện Hoài Ân đã phối hợp cùng Huyện đoàn, VNPT Bình Định tích hợp thông tin, hình ảnh, video trực quan vào mã QR và đặt tại 7 điểm: Khu Di tích lịch sử Chi bộ Vạn Đức, Di tích Núi Chéo, Đền thờ Tăng Bạt Hổ, Khu Di tích Lịch sử Văn chỉ Hoài Ân, Khu Tưởng niệm chiến sĩ hy sinh trong trận đánh đồi Xuân Sơn, Di tích lịch sử Rừng Bà Bơi - nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng, Di tích Lịch sử Chiến thắng Gò Loi.
Anh Trần Thanh Tân, Chủ tịch Hội LHTN huyện Hoài Ân, cho biết: Thực hiện công trình này, khó nhất là xác minh thông tin sao cho đúng và đầy đủ nhất để giới thiệu đến người dân và du khách. Đồng thời, hội còn thành lập đội tuyên truyền viên gồm 15 thành viên đóng vai trò “hướng dẫn viên không chuyên” tại mỗi điểm.
Dấu ấn thanh niên
Nhờ đáp ứng đúng nhu cầu, các công trình thanh niên nhận được sự hưởng ứng từ phía người dân.
Bày tỏ sự phấn khởi với sự xuất hiện của công trình “Thắp sáng đường quê” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ Hưng Lợi xây dựng tại huyện Vĩnh Thạnh vào tháng 3.2024, chị Trần Thị Huyền (ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: “Ngày trước, tuyến đường nối thị trấn với xã Vĩnh Thuận có một đoạn thiếu sáng, khiến người dân khó di chuyển trong đêm, nhất là vào những hôm mưa gió. Từ ngày đường được thắp sáng toàn tuyến, chúng tôi yên tâm hẳn”.
Tương tự, những công trình dân sinh như “Sân chơi cho em”, “Vườn cây thanh niên”, “Nhà khăn quàng đỏ”… được các cấp hội trên địa bàn TX An Nhơn đồng loạt triển khai vào tháng 8.2024 cũng được người dân địa phương đánh giá cao.
Xúc động khi nhận căn nhà khăn quàng đỏ mới khang trang, em Nguyễn Thị Thanh Hiền (SN 2012, ở xã Nhơn Thọ) tâm sự: Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, bố mất sớm, em và anh trai ở với mẹ. Tuy nhiên, mẹ em sức khỏe không ổn định, thu nhập bấp bênh, việc xây sửa lại căn nhà mới dường như chỉ gói gọn trong từ “ước gì”… Nếu không có sự hỗ trợ của Thị đoàn, Hội LHTN Việt Nam thị xã và Hội đồng Đội TX An Nhơn hỗ trợ thì điều ước ấy không bao giờ thành hiện thực”.
Tương tự, với các công trình số, đối tượng hưởng lợi đầu tiên là các bạn trẻ. Cùng bạn bè quét mã tại Khu di tích lịch sử Chi bộ Vạn Đức, em Cao Nguyễn Gia Như (SN 2010, ở xã Ân Tín) cho hay: Tình trạng người trẻ không nắm về lịch sử quê hương không còn hiếm, một phần vì “lười” chọn lọc thông tin; một phần vì bối rối về nguồn gốc, mức độ chính xác của thông tin… Với “Số hóa địa chỉ đỏ”, chúng em chỉ cần quét QR là xem được các clip thuyết minh và các bài viết đã được kiểm chứng tính xác thực. Nhờ đó, chúng em có điều kiện hiểu hơn về văn hóa, lịch sử quê hương mình và giới thiệu cho bạn bè ở nơi khác đến thăm một cách chính xác.
Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, các cấp Hội LHTN Việt Nam toàn tỉnh đã thực hiện 5.387 công trình, phần việc thanh niên xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với tổng trị giá hơn 14,3 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng mới 118 ngôi nhà nhân ái; thực hiện 27 km công trình “Thắp sáng đường quê”; sửa chữa, làm mới 386 km đường nông thôn; huy động hơn 15.900 lượt hội viên thanh niên ra quân 327 đợt khắc phục hậu quả mưa lũ, sa bồi thủy phá, sửa chữa nhà ở, giúp dân thu hoạch lúa bị ngập úng, đổ ngã do mưa lớn kéo dài…
DƯƠNG LINH