Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
(BĐ) - Chiều 18.9, tại TP Quy Nhơn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.P
Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, với những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác xếp hạng di tích; di sản văn hóa; hệ thống bảo tàng…
Tuy nhiên, hiện nay một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung, cần được quy định rõ hơn, còn chồng chéo, bất cập, tính khả thi chưa cao hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Điển hình là vấn đề thẩm định dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; xây dựng các công trình ngoài khu vực bảo vệ của di tích; thành lập, phân loại bảo tàng; các biện pháp cụ thể, cần thiết để bảo vệ di sản.
Luật cũng thiếu các quy định về chuyển đổi số di sản văn hóa; việc khai thác, sử dụng di sản văn hóa; hợp tác công - tư; nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…
Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết nhằm điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cũng đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.
Tại hội nghị, đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung như quy định xác lập sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng đối với di sản văn hóa để bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Các chính sách ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; các chính sách cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số để phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả của các chính sách khi được ban hành. Việc điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của di sản thế giới; xác định rõ hơn nguyên tắc khi điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ. Thủ tục hành chính liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ; các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Cơ chế, chính sách về đầu tư công, nguồn lực xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; việc phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cần cụ thể để bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh ghi nhận các ý kiến của đại biểu đóng góp vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp và chuyển đến Ban soạn thảo, Quốc hội nhằm hoàn thiện dự án Luật.
HỒNG PHÚC