Nỗ lực nâng cao Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương
Theo báo cáo của Bộ KH&CN về Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII) năm 2023, tỉnh Bình Định xếp hạng 23/63 tỉnh, thành trên toàn quốc và đứng thứ 4/14 trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Bình Định đặt mục tiêu thời gian tới sẽ nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về PII, đồng thời đứng thứ 3 trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN. Ảnh: T.LỢI
Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN, về những kế hoạch và định hướng phát triển PII sắp tới.
Theo ông Hà, tỉnh Bình Định có 5 điểm mạnh, gồm: Cạnh tranh bình đẳng, chi cho KH&CN/GRDP, tỷ lệ chi đào tạo lao động, dự án hoạt động trong cụm công nghiệp, chính sách thúc đẩy KH&CN. Tuy nhiên, chúng ta cũng có 5 điểm yếu: Tài chính vi mô/GRDP, đơn đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tốc độ giảm nghèo, hỗ trợ DN.
* PII năm 2023 được tính toán dựa trên những tiêu chí nào và có mục đích ra sao, thưa ông?
- PII năm 2023 bao gồm 52 chỉ số thành phần, được chia thành 7 trụ cột chính, được xây dựng dựa trên bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Trong đó, có 5 trụ cột đầu vào phản ánh các điều kiện thúc đẩy sự phát triển KT-XH dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), bao gồm: Thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường và DN. Hai trụ cột đầu ra đánh giá kết quả của các hoạt động KHCN&ĐMST, là: Sản phẩm tri thức và tác động công nghệ.
Mục tiêu chính của PII là giúp các địa phương nhận diện rõ các điểm mạnh, điểm yếu của mình trong quá trình phát triển dựa trên KHCN&ĐMST. Thông qua chỉ số này, chính quyền tỉnh có thể đề ra các biện pháp khắc phục những hạn chế, tận dụng thế mạnh nhằm xây dựng chiến lược phát triển KT-XH bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.
* Những kết quả đạt được từ PII cho thấy Bình Định đã có những bước tiến đáng kể. Ông có thể chia sẻ thêm về các hoạt động giúp tỉnh cải thiện chỉ số này?
- Bình Định đã áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện và nâng cao PII. Đặc biệt, Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy, việc triển khai Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã tạo động lực lớn cho sự phát triển KH&CN giai đoạn 2020 - 2025. HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho KH&CN, góp phần cải thiện môi trường ĐMST.
Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường cải thiện các chỉ số thành phần có liên quan mật thiết đến PII, như: PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công), PAR INDEX (cải cách hành chính), DTI (chuyển đổi số), và PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Những chỉ số này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho các DN và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 5.9.2024 nhằm cải thiện và nâng cao PII trong các năm tới.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ DN nhỏ và vừa là một ưu tiên để tỉnh cải thiện PII.
- Trong ảnh: Các DN tham gia Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định lần thứ IV - năm 2023. Ảnh: T.LỢI
* Những khó khăn lớn mà Bình Định đang gặp phải trong quá trình nâng cao PII là gì thưa ông?
- Thách thức lớn nhất hiện nay đối với Bình Định và nhiều tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là khoảng cách lớn giữa chỉ số đầu vào và đầu ra. Điều này phản ánh việc khai thác và ứng dụng các nguồn lực đầu vào đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, vì PII mới được công bố lần đầu vào năm 2023, nên một số cơ quan, ngành tại địa phương vẫn chưa nắm bắt đầy đủ về tầm quan trọng của bộ chỉ số này. Điều này khiến việc triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả ĐMST còn gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục, chúng tôi đang chủ động rà soát các chỉ số thành phần liên quan đến lĩnh vực mình quản lý và đề xuất các biện pháp phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa và tầm quan trọng của PII sẽ được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cũng như cộng đồng dân cư.
* Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp cụ thể nào để đạt mục tiêu cao hơn về PII?
- Bình Định đặt mục tiêu nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về PII, đồng thời đứng thứ 3 trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh sẵn có như: Trụ cột thể chế thuộc top 5 địa phương cả nước, chỉ số cạnh tranh bình đẳng đứng đầu cả nước và tỷ lệ chi cho KH&CN từ ngân sách địa phương/GRDP thuộc top 4.
Tỉnh cũng sẽ cải thiện những điểm yếu đã được chỉ ra, chẳng hạn như chỉ số tài chính vi mô/GRDP, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu và tốc độ giảm nghèo. Đặc biệt, chú trọng đến GD&ĐT, khuyến khích thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học và các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng là một ưu tiên.
Cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ DN sẽ là yếu tố then chốt trong việc thu hút đầu tư vào KH&CN, tạo điều kiện cho các DN tham gia vào quá trình ĐMST (trụ cột thứ 6 - sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ). Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN như Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 33/2023/NQ-HĐND, số lượng DN tiếp cận các chính sách này còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để DN chủ động tiếp cận và tham gia vào các hoạt động ĐMST, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn ông!
AN NHIÊN (Thực hiện)