Tuyệt đối không được lơ là trong phòng chống thiên tai!
Tại hội nghị phòng chống thiên tai năm 2024, được UBND tỉnh tổ chức vào sáng 18.9, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo quyết liệt: “Không được phép lơ là trong công tác phòng chống thiên tai”.
Với tư cách là Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cùng các cấp chính quyền tập trung cao độ vào việc phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, không để bất kỳ sự chậm trễ nào xảy ra.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TRỌNG LỢI
Nhiều nơi còn cản trở dòng thoát lũ
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương báo cáo, công tác PCTT của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã đã đáp ứng được yêu cầu, nhưng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Trong đó, vấn đề tắc nghẽn dòng chảy trên các tuyến sông, đường thoát lũ và những công trình đang thi công được đặc biệt nhấn mạnh.
Ông Chương dẫn chứng cụ thể về sự tắc nghẽn dòng chảy tại cầu Diêm Vân, thuộc dự án tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, hay đường công vụ phục vụ thi công cầu Nhơn Bình trên tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân. Đặc biệt, cầu sông Dinh tại dự án tiêu thoát lũ sông Dinh cũng là điểm cần tháo dỡ để khơi thông dòng chảy. Bên cạnh đó, nhiều kênh rãnh thoát nước tại các huyện miền núi như Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh cũng đối diện với nguy cơ tắc nghẽn nếu không xử lý kịp thời.
Ông Chương thông tin, theo dự báo từ tháng 9 đến tháng 11, Bình Định có khả năng chịu ảnh hưởng của 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, với lượng mưa dự kiến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Việc tháo dỡ các vật cản trên sông, đường công vụ để tạo thông thoáng dòng chảy cần phải thực hiện ngay.
Đồng quan điểm, đại tá Nguyễn Văn Dư, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, cũng nhấn mạnh việc các địa phương cần chú trọng việc khai thông dòng chảy, đặc biệt là vớt bèo để tránh tắc nghẽn, ngập úng cục bộ, phá hủy hệ thống hạ tầng tại các khu vực có nguy cơ cao.
Dưới chân cầu sông Dinh (TP Quy Nhơn) hiện nay vẫn còn khá nhiều đất đá và bèo lục bình chắn dòng chảy, cần được khơi thông để thoát nước. Ảnh: TRỌNG LỢI
Xây dựng lực lượng tại chỗ: Cần thực chất
Một trong những vấn đề đặt ra tại hội nghị là sự thiếu hiệu quả của lực lượng xung kích PCTT cấp xã; đây là điều đã xảy ra ở các tỉnh phía Bắc trong cơn bão số 3 vừa qua.
Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống lụt bão trong 4 năm qua, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Lê Văn Lịch chỉ ra rằng lực lượng xung kích địa phương chưa đủ mạnh và chưa thực sự hiệu quả. Ông khẳng định, trong công tác ứng phó với thiên tai, lực lượng cốt lõi vẫn phải là CA, quân đội và dân quân tự vệ.
Để đảm bảo ứng phó hiệu quả với bão lũ, ông Lịch đề nghị cần phân công cụ thể từng thành viên trong Ban Chỉ huy đến từng địa bàn trước mỗi đợt thiên tai để rà soát, kiểm tra và nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn tại những khu vực trọng yếu.
Với huyện Tuy Phước, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Nam thông tin, các xã và thị trấn đã củng cố, kiện toàn lực lượng xung kích PCTT với khoảng 980 thành viên. Đội ngũ này chủ yếu được huy động từ thanh niên xung kích, cán bộ quân dân chính ở các thôn, khu phố và bộ phận quản lý đê điều của người dân. Mặc dù lực lượng đông đảo, song thực tế cho thấy họ thiếu kinh nghiệm và kỹ năng trong việc ứng phó với bão, lũ lớn. Điều này khiến hiệu quả hoạt động của đội chưa cao, phần lớn vẫn phải dựa vào lực lượng CA, quân đội và dân quân tự vệ.
Trước thực trạng này, ông Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn kỹ lưỡng lực lượng tham gia ở các xã, thị trấn, đồng thời đề xuất tổ chức tập huấn, diễn tập thường xuyên và xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp để các thành viên có thể an tâm tham gia một cách hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, đại tá Võ Đức Nguyện, Giám đốc CA tỉnh, nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng CA và quân đội trong công tác phòng chống bão, lũ. Ông cho biết lực lượng CA luôn sẵn sàng hỗ trợ khi cần, với hơn 4.000 người tham gia bảo vệ ANTT tại các địa phương. “Công tác phòng, chống bão lũ không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà cần có kế hoạch cụ thể dựa trên nguồn nhân lực, phương tiện tại chỗ và tình hình thực tế. Đặc biệt, vai trò của người chỉ huy là vô cùng quan trọng”, đại tá Nguyện nói. Ông dẫn chứng về một trưởng thôn ở Lào Cai, người đã kịp thời kêu gọi 115 người dân rời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở nhờ quyết đoán và hiểu biết.
Đại tá Nguyện cũng lưu ý, một số nơi có nhiều người chỉ huy nhưng lại thiếu kinh nghiệm, dẫn đến xử lý lúng túng, kéo dài thời gian trong những giai đoạn quan trọng, gây hậu quả nghiêm trọng. “Người chỉ huy phải là người có chuyên môn và kinh nghiệm”, đại tá Nguyện nhấn mạnh.
Chuẩn bị tốt để giảm thiểu thiệt hại
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cảnh báo: “Nếu chính quyền chủ quan trong công tác PCTT, người dân cũng sẽ chủ quan” và yêu cầu mọi cấp chính quyền phải có thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh rằng dữ liệu về thiên tai đã được cập nhật, giờ là lúc thực hiện các phương án ứng phó đã đề ra.
Ngành Nông nghiệp được giao nhiệm vụ đưa ra cảnh báo sớm để người dân kịp thời thu hoạch mùa màng, di dời gia súc, gia cầm trước khi bão lũ đến. Ngành Công Thương phải kiểm tra các nhà máy, xí nghiệp tại các khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra.
Từ nay đến hết ngày 30.9, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành phải rà soát và gia cố các công trình như biển quảng cáo, cầu cống, đường sá để đảm bảo an toàn. Việc nạo vét hệ thống thoát nước, dòng chảy và cắt tỉa cây xanh cũng cần được thực hiện nhanh chóng để giảm nguy cơ ngập úng và gãy đổ trong mùa mưa bão.
Nguồn: BTV
Chủ tịch Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, phương án “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy tại chỗ) phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và thực chất, các kịch bản ứng phó với từng cấp độ bão lũ phải được diễn tập đầy đủ. Ông đặc biệt lưu ý việc lựa chọn chỉ huy có chuyên môn và kinh nghiệm để đảm bảo các tình huống khẩn cấp được xử lý nhanh chóng và hiệu quả.
Các ban quản lý dự án cần kiểm tra chặt chẽ phương án PCTT của các nhà thầu để đảm bảo công trình an toàn trước bão lũ. Sở GTVT cũng phải làm việc với các nhà thầu thi công trên các tuyến quốc lộ, đảm bảo mọi biện pháp an toàn đều được thực hiện.
Việc triển khai phương án “4 tại chỗ” cần linh hoạt, phù hợp với từng tình huống thiên tai cụ thể. Khi cần di dời hoặc sơ tán dân, phải thực hiện một cách dứt khoát, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, chăm sóc y tế và cung cấp lương thực, thực phẩm đầy đủ cho người dân.
Lực lượng CA, quân đội phải chủ trì, phối hợp với các đơn vị khác để sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp. Hệ thống thông tin liên lạc, bao gồm liên lạc vệ tinh cũng cần được chuẩn bị sẵn sàng.
“PCTT là trách nhiệm của tất cả mọi người. Nếu phòng chống tốt, chúng ta sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn kết luận, yêu cầu mọi phương án phải được triển khai chi tiết và cụ thể.
TRỌNG LỢI