Liên hợp quốc đưa ra 7 khuyến nghị để quản lý trí tuệ nhân tạo
Trong số các khuyến nghị có việc thành lập một ủy ban cung cấp kiến thức khoa học khách quan, tin cậy về AI; xây dựng một mạng lưới phát triển năng lực AI toàn cầu; và hình thành một khuôn khổ dữ liệu AI toàn cầu để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm.
Khách tham quan trò chuyện với robot Navel do Navel Robotics sản xuất, tại một hội nghị cấp cao về AI ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 30.5.2024. (Ảnh: Reuters)
Ngày 19.9, cơ quan tư vấn về trí tuệ nhân tạo của Liên hợp quốc đã công bố bản báo cáo cuối cùng, trong đó đưa ra 7 khuyến nghị nhằm đối phó với các rủi ro liên quan đến AI cũng như khắc phục những khoảng trống trong quản trị công nghệ này.
Cơ quan nói trên gồm 39 thành viên là các học giả, giám đốc điều hành trong ngành và quan chức chính phủ từ 33 quốc gia, được thành lập hồi tháng 10 năm ngoái để nghiên cứu và đề xuất các biện pháp quản lý AI ở cấp độ quốc tế.
Trong báo cáo, cơ quan này kêu gọi thành lập một ủy ban cung cấp kiến thức khách quan và đáng tin cậy về AI. Mục tiêu chính là khắc phục sự mất cân bằng thông tin giữa các phòng thí nghiệm nghiên cứu AI và các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia chưa có nhiều năng lực phát triển công nghệ này.
Kể từ khi ChatGPT của OpenAI ra mắt vào năm 2022, công nghệ AI đã nhanh chóng lan tỏa và được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Sự bùng nổ này mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng khiến dư luận lo ngại về việc phát tán thông tin sai lệch, tin giả và tình trạng vi phạm bản quyền.
Mới chỉ một số ít quốc gia, tổ chức đã kịp thời ban hành các luật lệ để quản lý AI. Trong số đó, Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu với việc thông qua một đạo luật AI khá toàn diện, thiết lập một bộ khung pháp lý để kiểm soát sự phát triển của công nghệ này.
Ngược lại, Mỹ đang theo đuổi cách tiếp cận tự nguyện, tập trung vào việc khuyến khích các công ty công nghệ tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức.
Ngày 10.9 vừa qua, khoảng 60 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã ký vào một “bản kế hoạch hành động” nhằm quy định việc sử dụng AI có trách nhiệm trong quân sự. Tuy nhiên, Trung Quốc không tham gia ký kết tài liệu vốn không có tính ràng buộc pháp lý này.
Trước thực tế hiện nay AI đang được phát triển chủ yếu bởi một số ít các công ty đa quốc gia, Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ công nghệ này có thể bị áp đặt lên các quốc gia và cá nhân vốn không tham gia vào quá trình quyết định cách thức mà nó được sử dụng.
Bên cạnh đề xuất thành lập ủy ban cung cấp kiến thức về AI, cơ quan tư vấn của Liên hợp quốc còn đề xuất thiết lập một cơ chế đối thoại chính sách mới và một sàn giao dịch các tiêu chuẩn AI, đồng thời xây dựng một mạng lưới phát triển năng lực AI toàn cầu nhằm tăng cường khả năng quản lý công nghệ này.
Cơ quan tư vấn cũng khuyến nghị thành lập Quỹ AI toàn cầu để giúp khắc phục những khoảng trống về năng lực quản trị AI và thúc đẩy hợp tác quốc tế, kèm theo đó là đề xuất xây dựng một khung dữ liệu AI toàn cầu nhằm bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm trong sử dụng công nghệ AI.
Những khuyến nghị này đánh dấu một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm đối phó với các thách thức mà AI mang lại, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng công nghệ này theo hướng có trách nhiệm và bền vững.
Theo LÂM KHÁNH (Reuters/NDO)