Khai mạc Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN lần thứ 28
Sáng 20.9, tại thành phố Đà Nẵng khai mạc Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN lần thứ 28 (Hội nghị SLC lần thứ 28). Hội nghị nằm trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể về hợp tác ASEAN 2024 đã được Chính phủ phê duyệt và tin tưởng giao Ngân ngân hàng Nhà nước thực hiện vai trò Đồng chủ trì Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN (SLC) giai đoạn 2024-2026.
Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Indonesia đảm nhận vai trò Đồng chủ trì. Ảnh: ANH ĐÀO.
Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Indonesia đảm nhận vai trò Đồng chủ trì với hơn 100 đại biểu tham dự.
Hội nghị có sự tham gia của toàn bộ các Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN và Timor-Lester (tham gia với tư cách là quan sát viên), Đồng chủ trì các Nhóm công tác ASEAN về hợp tác ngân hàng và đại diện các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - BIS, Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN - AMRO), Ban Thư ký ASEAN, Hiệp hội Ngân hàng ASEAN.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Trung ương Indonesia đang giữ vai trò Đồng chủ trì Hội nhập tài chính ASEAN nhiệm kỳ 2024-2026 với nhiệm vụ chính là định hướng chỉ đạo quá trình hội nhập tài chính ngân hàng ASEAN; Kết nối các ngân hàng trung ương ASEAN với các cơ quan quản lý tài chính - ngân hàng khu vực, các đối tác quốc tế để thúc đẩy đối thoại chính sách vì sự ổn định khu vực tài chính, ngân hàng và triển khai các sáng kiến đa phương liên khu vực, đa lĩnh vực.
Toàn cảnh hội nghị sáng ngày 20.9 tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ANH ĐÀO
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN lần thứ 28. Năm 2024 là năm quan trọng đối với ASEAN, vì nó vừa phản ánh tiến trình của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 vừa là thời điểm hướng tới tương lai để phác thảo tương lai của ASEAN bằng cách phát triển các Kế hoạch Chiến lược để thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN lần thứ 28 được triệu tập trong bối cảnh bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu đang phát triển. Triển vọng kinh tế toàn cầu là tích cực và các nền kinh tế đang lấy lại sức mạnh; tuy nhiên, nhiều điều không chắc chắn và thách thức vẫn còn xung quanh triển vọng. Thị trường tài chính đang biến động, động lực thương mại đang thay đổi và những tiến bộ công nghệ đang định hình lại nền kinh tế của chúng ta.
Trong bối cảnh này, ASEAN đã thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ và chúng ta phải tiếp tục làm việc cùng nhau để bảo đảm rằng các hệ thống tài chính của chúng ta vừa tích hợp vừa ổn định, như được nêu trong Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN lần thứ 28. Ảnh: ANH ĐÀO
“Cuộc họp SLC hôm nay mang đến một cơ hội tuyệt vời để thảo luận về cách chúng ta có thể thực hiện các sáng kiến theo thẩm quyền của SLC.
Chương trình nghị sự của chúng tôi rất toàn diện, bao gồm các cập nhật quan trọng từ BIS và AMRO về sự phát triển kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực, báo cáo tiến độ từ các ủy ban làm việc khác nhau của chúng tôi và các sáng kiến chính bao gồm Phân loại ASEAN, Bản đồ xanh ASEAN và việc thiết lập lại Thỏa thuận hoán đổi ASEAN”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các Phó Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN và các diễn giả cấp cao đã trao đổi về diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô khu vực và thế giới. Đồng thời, các Phó Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN đã đưa ra định hướng chỉ đạo triển khai hoạt động trong thời gian tới của các Nhóm công tác về hợp tác ngân hàng ASEAN; Tự do hóa khoản vốn, Tự do hóa dịch vụ tài chính, Tài chính toàn diện, Phát triển thị trường vốn, Phát triển hệ thống thanh toán; Nhóm đặc trách về Tài chính bền vững, Ủy ban Tăng cường năng lực ASEAN; Mạng lưới chia sẻ thông tin và tăng cường an ninh mạng cũng như các sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ ASEAN bao gồm Thỏa thuận hoán đổi ASEAN và Khuôn khổ dữ liệu liên thông ASEAN.
Nhiều vấn đề tài chính được thảo luận tại hội nghị. Ảnh: ANH ĐÀO
Khu vực ASEAN+3 đang trên đà đạt được tăng trưởng ổn định vào năm 2024 và 2025, được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước và xuất khẩu, du lịch phục hồi. Về cơ bản AMRO giữ nguyên mức dự thảo tăng trưởng: Khu vực ASEAN+3 (4,4% năm 2024 và 4,3% năm 2025); khu vực ASEAN (4,8% năm 2024 và 2025). AMRO dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực (6,3% năm 2024 và 6,5% năm 2025).
Lạm phát cơ bản tiếp tục ở mức vừa phải bất chấp áp lực từ chi phí năng lượng, vận tải toàn cầu tăng đột biến. AMRO điều chỉnh giảm nhẹ mức dự báo lạm phát: Khu vực ASEAN+3 (5,0% năm 2024 và 3,7% năm 2025); khu vực ASEAN (6,3% năm 2024 và 4,4% năm2025). AMRO dự báo lạm phát của Việt Nam ở mức 3,8% năm 2024 và 3,3% năm 2025.
Các rủi ro đang gia tăng, bao gồm: bất ổn toàn cầu và sự phân mảnh địa kinh tế gia tăng, giảm tăng trưởng tại Mỹ và EU, biến đổi khí hậu, thiên tai, các sự kiện thời tiết cực đoan, dịch bệnh, già hóa dân số.
Theo ANH ĐÀO (NDO)