Gửi yêu thương đến miền bắc thương yêu
Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, nhiều phụ nữ Bình Ðịnh đã xông xáo sẻ chia góp của, góp công chuyển những phần lương khô, quần áo, nhu yếu phẩm giúp đồng bào miền Bắc yêu thương vượt qua cơn khốn khó do bão lũ gây ra.
Nhanh chóng, thiết thực
Cơn bão số 3 kèm theo mưa lũ xảy ra đã làm thiệt hại nhiều tài sản, nhà cửa và tính mạng của người dân ở một số tỉnh phía Bắc. Sau khi nắm được thông tin, cùng với các ban, ngành chức năng, nhiều chị em chủ động góp sức, góp của san sẻ phần nào nỗi đau với đồng bào mình. Bên cạnh những chị em ủng hộ tiền vào các tổ chức từ thiện, xã hội, nhiều chị không quản ngại nắng mưa quyên góp, sắp xếp, lựa chọn những món hàng phù hợp để thiết thực giúp đồng bào bị thiệt hại nhanh chóng ổn định đời sống.
Chị Nguyễn Thị Kiều My sắp xếp, tập hợp hàng hóa, nhu yếu phẩm để gửi các đơn vị thiện nguyện chuyển cho đồng bào miền Bắc. Ảnh: NVCC
Dù đã 2 lần góp tiền vào 2 tổ chức từ thiện xã hội nhưng trước sự thiếu thốn, khó khăn của người dân các tỉnh phía Bắc, chị Nguyễn Thị Kiều My (ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) không thể yên lòng. Do vậy, trước lời ngỏ ý của chị ruột là Nguyễn Thị Diệu Linh (ở phường Đập Đá, TX An Nhơn), chị chung tay kêu gọi, quyên góp một số nhu yếu phẩm như: Lương khô, bánh, sữa, nước lọc, bánh tráng, nước mắm...
Theo chị My, hoạt động kêu gọi, quyên góp chỉ diễn ra trong vòng 1 tuần nhưng các chị đã nhận được rất nhiều tình cảm và sự ủng hộ của nhiều chị em khác. Sau đó, các thùng hàng được gửi ở điểm tập kết của một số nhóm thiện nguyện và nhờ họ vận chuyển đến những nơi có người dân đang cần. Ngoài nhu yếu phẩm, nhóm của chị còn nhận được tiền của nhiều cá nhân đóng góp, các chị cũng đã thống kê, lên danh sách rõ ràng, minh bạch.
“Của ít lòng nhiều, chúng tôi mong chia sẻ phần nào nỗi khó khăn mà người dân miền Bắc phải gánh chịu. Dù thời gian quyên góp và chuẩn bị khá ngắn nhưng lượng hàng chúng tôi nhận được rất nhiều. Nhiều chị em rất tế nhị, họ hỏi trước người dân miền Bắc cần gì nhất lúc này rồi mới quyên góp. Chúng tôi cũng vậy, trước khi chuẩn bị hàng hóa, chúng tôi đọc danh sách các món hàng người dân đang cần để chuẩn bị, quyên góp cho phù hợp nhằm tránh tình trạng lãng phí mà người cần lại không sử dụng được. Kết thúc đợt quyên góp này, nhiều chị em còn hỏi thăm muốn tiếp tục được ủng hộ, chúng tôi dự định sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động đợt thứ 2”, chị My tâm sự.
Áo mới cho trẻ vùng lũ
Là xưởng may chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng, đặc biệt là trang phục trẻ em, chị Đặng Thị Ngọc Linh (ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) nhiều lần gửi quần áo cho trẻ em nghèo, trẻ em tại một số huyện khó khăn ở tỉnh Gia Lai. Và đối với các em nhỏ ở một số tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi thiên tai vừa qua, chị gấp rút gói ghém khoảng 300 bộ quần áo nhờ các đoàn từ thiện gửi đến cho các em.
Chị Đặng Thị Ngọc Linh gấp quần áo để chuyển cho các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh: T.K
Theo chị Đặng Thị Ngọc Linh, xưởng may của chị đã thành lập, hoạt động được 20 năm, những năm gần đây chị bén duyên với việc tặng quần áo cho các em nhỏ, đặc biệt mỗi dịp Tết đến xuân về để trẻ em nghèo có quần áo mới vui cùng các bạn. Và sau khi bão số 3 xảy ra, thấy được hình ảnh các em nhỏ lấm lem, nhà cửa tan hoang, chị nghĩ có lẽ bộ một quần áo sạch sẽ giúp các em ấm hơn trong lúc này.
“Là người miền Trung, từ nhỏ đã hiểu được nỗi kinh hoàng mỗi khi có bão lũ và cũng là một người mẹ, tôi thật buồn khi thấy các con còn nhỏ tuổi như vậy mà phải chịu đựng sự mất mát, đau thương như vậy. Do vậy, tôi nhanh chóng cùng các chị em của xưởng may gấp 300 bộ đồ gửi nhanh cho các con. Tôi vẫn sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, các con cần tôi sẽ gửi thêm. Hy vọng điều này phần nào giúp các con được sưởi ấm”, chị Đặng Thị Ngọc Linh bày tỏ.
Ngoài quần áo mới, nhiều chị em còn nhận quyên góp quần áo đã qua sử dụng. Chị Nguyễn Thị Kiều My cho biết: “Tuy nói là quần áo đã qua sử dụng nhưng hầu như còn rất mới. Để quần áo đến tay đồng bào đang khó khăn có giá trị sử dụng, khi nhận quần áo quyên góp, chúng tôi kiểm tra lại lần nữa, sử dụng tốt chúng tôi mới gửi đi. Ngoài ra, chúng tôi còn gửi thêm chăn, màn để tiếp thêm hơi ấm cho đồng bào ở phía Bắc”.
THẢO KHUY