Diễn tập vận hành phần mềm Quản lý thiên tai năm 2024
(BĐ) - Chiều 20.9, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp trực tuyến để diễn tập vận hành phần mềm Quản lý thiên tai của tỉnh năm 2024, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì. Cuộc họp được kết nối với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã trên toàn tỉnh.
Cuộc diễn tập được thực hiện với tình huống bão mạnh cấp 12 - 13 đổ bộ vào phía Nam tỉnh Bình Định, tâm bão đi qua TP Quy Nhơn. Kịch bản diễn tập gồm 3 bối cảnh: Trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp 36 giờ, khi bão đổ bộ và khi bão suy yếu. Các cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã tham gia thực hiện các nhiệm vụ như sơ tán dân, điều động lực lượng, hỗ trợ nhu yếu phẩm, thống kê thiệt hại và báo cáo thông tin lên phần mềm. Diễn tập này nhằm nâng cao khả năng ứng phó và điều hành của các cơ quan chức năng, đảm bảo an toàn cho người dân khi có thiên tai xảy ra.
Quang cảnh diễn tập vận hành phần mềm Quản lý thiên tai của tỉnh năm 2024 tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang. Ảnh: AN
Hiện, phần mềm Quản lý thiên tai đã xây dựng cơ sở dữ liệu nền về ứng phó thiên tai, sơ tán chi tiết cho hơn 404,7 nghìn hộ/gần 1,5 triệu người; cùng 1.961 điểm sơ tán tập trung với sức chứa hơn 466 nghìn người… Trên cơ sở dữ liệu điều tra và căn cứ vào phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, Sở NN&PTNT cùng VNPT Bình Định thực hiện xây dựng được 7 phương án cho 2 loại hình bão và lũ. Theo đó, 4 kịch bản bão và 3 kịch bản lũ được xây dựng với chức năng theo dõi trực tuyến công tác sơ tán dân theo thời gian thực. Thông qua phần mềm, lãnh đạo các cấp điều hành trực tuyến có thể điều động lực lượng ứng phó, điều động phương tiện, vật tư, trang thiết bị và xuất cấp lương thực, thực phẩm khẩn cấp, báo cáo thiệt hại do thiên tai. Đồng thời, theo dõi trực tuyến số lượng tàu cá ở vùng nguy hiểm, khả năng sắp xếp, neo đậu tàu cá ở các khu tránh trú bão của tỉnh, tình hình giao thông, hồ chứa và theo dõi tổng hợp các đề xuất hỗ trợ khẩn cấp của địa phương và các cơ quan.
Khi có dự báo tình huống thiên tai, phần mềm được kích hoạt, tùy theo cấp độ nguy hiểm của bão, lũ, hệ thống xác định rõ khu vực bị ảnh hưởng, bao nhiêu hộ cần sơ tán… Người dân sẽ được sơ tán theo hai hình thức (sơ tán xen ghép và sơ tán tập trung)…
Phát biểu kết luận cuộc họp diễn tập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm hải Giang nhấn mạnh, việc ứng dụng phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh nhằm giúp lãnh đạo các ngành, các địa phương điều hành trực tuyến ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai bão, lũ. Tuy nhiên, việc quản lý vận hành phần mềm còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Đồng thời, yêu cầu Sở NN&PTNT, cùng đơn vị phát triển phần mền tiếp tục ủng nghiên cứ nâng cấp, hoàn thiện phần mền, trong đó cần xử lý nâng cấp về quản lý thông tin, giao diện, tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo vận hành hiệu quả. Sau khi hoàn thiện phần mềm tiếp tục tập huấn, hướng dẫn việc cập nhật, sử dụng phần mềm hiệu quả thông suốt đối với cấp xã , huyện. Trong đó, đặc biệt khâu nhập liệu đảm bảo tính chính xác, từ đó mới giúp công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai bão, lũ nhanh, thiết thực và hiệu quả, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản.
AN NHIÊN