Cầu nối đưa trợ giúp pháp lý ngày càng gần dân
Để hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng gần gũi người dân, thời gian qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) đã đẩy mạnh công tác truyền thông, trong đó phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ và những người làm công tác xã hội ở cơ sở.
Hướng về cơ sở
Trong tháng 6.2024, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, TGPL, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động cho hơn 200 già làng, trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tại hai huyện Vĩnh Thạnh và Vân Canh. Các đại biểu được quán triệt những nội dung cơ bản của Luật TGPL như đối tượng, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL; lĩnh vực, hình thức TGPL; chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thực hiện TGPL; vai trò, ý nghĩa của chính sách này đối với người dân vùng DTTS và miền núi.
Tương tự, vào cuối tháng 7.2024, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức TGPL cho 220 cán bộ và người làm công tác xã hội ở cơ sở (trưởng thôn, khu phố; cán bộ hội, đoàn thể…) trên địa bàn TX Hoài Nhơn.
Theo ông Lê Thành Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, mục đích chính của các hoạt động là đẩy mạnh truyền thông về TGPL, lan tỏa chính sách nhân văn này đến đông đảo người dân; qua đó nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng TGPL chất lượng cho bà con, đặc biệt là người đồng bào DTTS, nhóm đối tượng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa.
“Các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ ở cơ sở sẽ đóng vai trò “đại sứ” truyền thông. Họ gần gũi, thấu hiểu bà con nên sẽ là kênh tuyên truyền hữu hiệu, giúp chính sách TGPL thẩm thấu vào thực tiễn đời sống”, ông Sơn chia sẻ.
Ngoài các hoạt động trên, công tác truyền thông cũng được Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh thực hiện thông qua các buổi tư vấn pháp luật, TGPL ngoài trụ sở. Trong 8 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã phối hợp với 9 huyện, thị xã tổ chức 61 đợt TGPL ngoài trụ sở; 98 buổi tuyên truyền pháp luật tại 70 điểm, thôn, làng, khu dân cư với 4.342 lượt người tham dự.
Ông Lý Hồng Sơn (giữa), Phó Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Thạnh Xuân Bắc (phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn) phổ biến chính sách trợ giúp pháp lý cho vợ chồng ông Nguyễn Quí. Ảnh: N.C
Đưa pháp luật ngày càng gần dân
Nhiều lần dự các buổi tập huấn do Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức, ông Đinh Y Khoa, người có uy tín ở thôn M6 (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh) tâm sự: “Mình biết được kiến thức pháp luật mới, hiểu rõ các quy định về chính sách TGPL cho người DTTS. Về thôn, mình giảng giải, tuyên truyền lại cho bà con. Được Đảng và Nhà nước ưu tiên trong TGPL, bà con thêm an tâm, phấn khởi”.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các chi nhánh của Trung tâm thực hiện TGPL 1.940 việc, vụ việc với 1.242 việc thực hiện tư vấn đơn giản và tham gia tố tụng 698 vụ việc. Qua đó, đã thực hiện TGPL hoàn thành cho hơn 1.500 lượt người.
Tại địa bàn TX Hoài Nhơn, ông Lý Hồng Sơn - Phó Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Thạnh Xuân Bắc (phường Hoài Hương) là người khá tâm huyết với việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong đó có TGPL. Thời gian qua, ông Sơn thường lồng ghép quy định về TGPL vào các buổi họp khu phố, giúp nhóm người yếu thế ở địa bàn nắm rõ, chủ động liên hệ khi có nhu cầu.
“Người yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi và người khuyết tật khó khăn về tài chính thì thường hiểu biết pháp luật hạn chế, khi đụng chuyện thường không biết gõ cửa ở đâu để nhờ giúp đỡ nên dễ bị thiệt thòi. Vì vậy, mỗi khi có dịp, tôi hướng dẫn họ để khi có vấn đề phát sinh thì báo khu phố. Cái gì tư vấn được thì mình giúp đỡ họ, cái gì ngoài khả năng thì kết nối với Trung tâm TGPL”, ông Sơn chia sẻ.
“Nhờ ông Sơn giảng giải, vợ chồng tôi biết người cao tuổi, đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng như mình thì được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí. Trước đây tôi cũng có một số thắc mắc nhưng không biết nhờ tư vấn ở đâu”, ông Nguyễn Quí (86 tuổi, ở khu phố Thạnh Xuân Bắc, phường Hoài Hương) thổ lộ.
Thông qua hướng dẫn của Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hoài Đức (TX Hoài Nhơn), mới đây bà Lê Thị Trí (phường Hoài Đức), trường hợp thuộc diện cao tuổi khó khăn về tài chính, đã liên hệ với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh để nhờ giúp đỡ trong vụ án tranh chấp thừa kế. “Vụ án của tôi kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết xong. Vừa rồi hay tin Trung tâm TGPL ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho mình, tôi mừng lắm. Hồi giờ khó khổ, không rành chữ nghĩa, cũng không biết nhờ cậy ai”, bà Trí xúc động nói.
Ông Lê Thành Trung, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho hay, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường các chương trình tập huấn để củng cố, nâng cao kiến thức pháp luật và năng lực, nhận thức của đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín và cán bộ ở cơ sở. Từ đó tiếp tục phát huy vai trò đồng hành của họ trong việc đưa chính sách TGPL về gần dân hơn.
NGUYỄN CHƠN