Giúp người mù vượt lên số phận
Nhiệm kỳ 2019 - 2024, Hội Người mù tỉnh đã đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho hội viên. Nhiều hội viên được tạo điều kiện học nghề, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế như được tiếp thêm động lực để vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
Đồng hành cùng hội viên
Để tiếp sức cho hội viên phát triển kinh tế, Hội Người mù tỉnh đã hỗ trợ nguồn vốn và dạy nghề theo phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Hội đã tạo điều kiện cho hơn 100 lượt hội viên vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm do Trung ương Hội phân bổ để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ… với số vốn xoay vòng là 429 triệu đồng. Ngân hàng CSXH TX Hoài Nhơn cũng hỗ trợ để 4 hội viên được vay tổng cộng 120 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều hội viên đã có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ngoài hỗ trợ vốn, Hội Người mù tỉnh còn mở 7 lớp dạy nghề với gần 100 học viên theo học các nghề như: Xoa bóp, bấm huyệt, làm chổi đót, chổi quét mạng nhện, kết hạt cườm... Riêng về xoa bóp, bấm huyệt - lĩnh vực giàu thế mạnh trong công tác hỗ trợ việc làm cho hội viên suốt nhiều năm qua, Hội đã gửi 75 hội viên học nghề tại Trung ương Hội và một số tỉnh, thành và DN “Vì hạnh phúc người mù” tại TP Quy Nhơn nhằm giúp hội viên nâng cao tay nghề.
Theo ông Nguyễn Hùng Thanh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, để đảm bảo hội viên sau học nghề có việc làm ổn định, Hội mở 2 cơ sở kinh doanh xoa bóp, bấm huyệt tại TP Quy Nhơn. Ngoài ra, có hơn 10 cơ sở khác do hội viên thành lập trên toàn tỉnh, tạo việc làm cho khoảng 60 người mù với mức thu nhập dao động từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng.
“Các cấp hội tích cực huy động vốn vay từ Trung ương Hội, Ngân hàng CSXH để đảm bảo 100% nhu cầu vốn vay cho hội viên. Cùng với đó là không ngừng nâng cao chất lượng các lớp dạy nghề; nỗ lực mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh như tăm tre, chổi đót, xoa bóp, bấm huyệt để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho hội viên”, ông Thanh cho biết.
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Hùng Thanh (bìa phải) hướng dẫn anh Sanh kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt. Ảnh: D.L
“Thắp sáng” nhiều mảnh đời
Nhờ được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ, nhiều hội viên đã lấy lại niềm tin, có thêm nghị lực vươn lên, làm chủ kinh tế.
Gia đình lam lũ với nghề nông mấy chục năm nhưng vẫn bấp bênh, khốn khó, năm 2023, ông Lê Văn Chính (SN 1966, ở phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn) đã vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH TX Hoài Nhơn qua kênh của Hội Người mù TX Hoài Nhơn để chăn nuôi heo và bò sinh sản. Ngoài ra, ông còn trồng thêm hồ tiêu để tăng thu nhập.
Ông Chính cho biết: “Hội tạo điều kiện giúp tôi vay vốn, không quên động viên tôi tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt ở địa phương. Dù bản thân bị mù, tuổi tác đã lớn nhưng nhờ mọi người khích lệ tinh thần, tôi đã chăm chỉ học và tự mình chăm sóc đàn gia súc ở nhà”.
Hội còn là chỗ dựa đáng tin cậy với những người chẳng may gặp biến cố. Vốn là anh cả khỏe mạnh trong gia đình có 4 anh em, anh Nguyễn Văn Sanh (SN 1992, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) vì bị một nhóm thanh niên ở địa phương đánh nhầm, dẫn đến chấn thương sọ não, ảnh hưởng dây thần kinh thị giác, mù cả hai mắt. Từ một thanh niên ngư dân khỏe mạnh mới 19 tuổi, cú sốc khiến anh nhiều lần nghĩ quẩn…
“Tôi mặc cảm vì trở thành gánh nặng của gia đình. Nhiều năm trôi qua, cứ tưởng mình sẽ phụ thuộc mãi vào người thân thì năm ngoái, một người đồng hương đã giới thiệu tôi đến Hội Người mù tỉnh để học nghề xoa bóp, bấm huyệt và làm tại cơ sở kinh doanh của Hội. Giờ đây, tôi rất hạnh phúc vì có thể tự lập”, anh Sanh chia sẻ.
Với khát vọng sống mạnh mẽ, nhiều hội viên học nghề xong, không chỉ làm thuê mà mạnh dạn mở cơ sở kinh doanh. Anh Cao Như Ý (SN 1982, ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) là trường hợp như vậy.
Sau khi làm quen với nghề xoa bóp, bấm huyệt, đến năm 2009, anh được Hội Người mù tỉnh cho ra TP Huế học nâng cao tay nghề trong 6 tháng. Học xong, anh hành nghề ở TP Đà Nẵng nửa năm để lấy kinh nghiệm rồi về TX Hoài Nhơn mở cơ sở tại địa chỉ 04 Trần Quang Diệu (phường Bồng Sơn), hoạt động ổn định hơn 14 năm nay.
“Ngày trước, tôi đánh đàn thuê cho các đám cưới, thu nhập không ổn định nên đã tìm đến Hội để nhờ giúp đỡ. Năm 2007 với tôi là bước ngoặt không thể nào quên khi tôi được Hội dạy chữ, dạy nghề. Thậm chí, nhờ Hội, tôi đã nên duyên với người đồng cảnh ngộ và cùng nhau phấn đấu. Đến nay, vợ chồng tôi thu nhập trung bình khoảng 15 - 16 triệu/tháng từ cơ sở xoa bóp, bấm huyệt; đủ để lo cho 2 con nhỏ khỏe mạnh được ăn học đầy đủ. Với tôi, Hội như ngôi nhà thứ hai, giúp những mảnh đời bất hạnh tìm thấy “ánh sáng”, anh Ý trải lòng.
DƯƠNG LINH