Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu
Các nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm giải quyết vấn đề dân số già và giảm tải cho hệ thống hưu trí, đồng thời sự thay đổi này diễn ra “chậm và ổn định” để tránh gây sốc cho người dân.
Sau nhiều năm, chính phủ Trung Quốc cuối cùng cũng đã công bố kế hoạch tăng tuổi hưu, dự kiến có hiệu lực từ tháng 1.2025. Việc Bắc Kinh lần đầu tiên thay đổi chính sách này kể từ năm 1978 được đánh giá là phản ứng thực tế trước những thách thức về nhân khẩu học của nước này, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo đây không phải là “viên đạn bạc”.
Theo kế hoạch, tuổi nghỉ hưu đối với nam giới ban đầu là 60 tuổi và cứ 4 tháng sẽ kéo dài độ tuổi nghỉ hưu theo luật 1 tháng, cho đến 63 tuổi. Tương tự, đối với phụ nữ làm công việc văn phòng, tuổi hưu ban đầu là 55 tuổi và cứ 4 tháng sẽ kéo dài độ tuổi nghỉ hưu 1 tháng, cho đến 58 tuổi, còn tuổi hưu của phụ nữ lao động tay chân là 50 tuổi ban đầu và sau đó cứ 2 tháng sẽ kéo dài độ tuổi nghỉ hưu 1 tháng, cho đến 55 tuổi.
TS Zhao Litao, nghiên cứu viên tại Viện Đông Á (ĐH Quốc gia Singapore) cho hay, vấn đề này đã được thảo luận hơn 10 năm qua, nhưng sự phản đối của người dân khiến tiến trình bị trì hoãn. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20, diễn ra hồi tháng 7, lãnh đạo Trung Quốc đã đưa vấn đề này ra thảo luận. Theo Nghị quyết được thông qua, Trung Quốc sẽ từng bước tăng tuổi nghỉ hưu theo luật dựa trên nguyên tắc tự nguyện và linh hoạt. Ông Zhao Litao cho rằng, động thái của chính phủ Trung Quốc là cẩn trọng nhưng cần thiết trước những áp lực kinh tế ngày càng tăng do lực lượng lao động giảm mạnh.
Những người lớn tuổi tại một công viên ở TP Phụ Dương, tỉnh An Huy (Trung Quốc).
Tính đến cuối năm 2023, nước này có gần 300 triệu người trên 60 tuổi và được dự báo tăng lên 400 triệu người vào năm 2035. Đây cũng là thời điểm mà Học viện Khoa học Trung Quốc ước tính quỹ hưu trí của nước này sẽ cạn tiền nếu không cải cách sâu rộng. Theo nhà kinh tế học Sheana Yue (Công ty tư vấn Oxford Economics), việc tăng tuổi hưu sẽ giúp giảm bớt gánh nặng của quỹ hưu trí, giúp chính quyền các địa phương có thêm thời gian để xử lý vấn đề thâm hụt ngân sách.
Các nhà kinh tế học Trung Quốc từ lâu kêu gọi xem xét lại quy định về tuổi hưu, vốn thuộc nhóm thấp nhất thế giới, trong khi tỷ lệ sinh thấp và độ tuổi nghỉ hưu thấp cũng đồng nghĩa với việc dân số trong độ tuổi lao động sẽ tiếp tục giảm. Erica Tay, nhà nghiên cứu vĩ mô thuộc Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank, cho rằng, Trung Quốc cần tận dụng nguồn lao động lớn tuổi trong bối cảnh sự sụt giảm về nguồn lao động trở nên gay gắt hơn trong 10 năm tới. Trong khi đó, một số nhà kinh tế học cảnh báo nguy cơ Trung Quốc rơi vào bẫy “già trước khi giàu”. Năm 2022, Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, dân số nước này giảm 850 nghìn người so với cuối năm trước đó. Năm 2023, số dân tiếp tục giảm 2 triệu người. Theo số liệu Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố hồi đầu tháng 9, người lớn tuổi hiện chiếm hơn 20% dân số, tương đương 297 triệu người từ 60 tuổi trở lên (tính đến cuối năm 2023). Từ năm 2030 - 2035, tỷ lệ này sẽ là 30% và tăng lên hơn 40% vào giữa thế kỷ này, đưa Trung Quốc trở thành một “xã hội siêu già”.
Theo TS Peng (ĐH Victoria, Australia), mặc dù việc tăng tuổi hưu là một giải pháp đối với những thách thức nhân khẩu học của Trung Quốc, nhưng đây không phải là biện pháp lâu dài. “Chính phủ Trung Quốc vẫn cần tăng tỷ lệ sinh. Dựa vào tiến bộ công nghệ và tăng chất lượng lực lượng lao động là điều căn bản”, bà nói.
LÊ QUẢNG (Theo The Guardian, CNBC, AFP)