Chuyện nhỏ mà không nhỏ!
Theo số liệu đã công bố, trong năm 2013 tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã xuất khẩu các sản phẩm điện tử như điện thoại, máy tính bảng… lên đến trên 20 tỉ USD, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Samsung đã và đang trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư và sản phẩm xuất khẩu lớn nhất ở Việt Nam. Hiện tập đoàn này vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư với một số dự án đang được triển khai có vốn đầu tư hàng tỉ USD.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là hầu hết các linh kiện để sản xuất của Samsung tại Việt Nam đều phải nhập khẩu, phần của Việt Nam tham gia vào sản xuất chủ yếu là công lắp ráp chỉ chiếm khoảng 5% giá trị của sản phẩm mà thôi. Qua rà soát hàng trăm nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ cho Samsung thì chỉ có chưa đầy mười doanh nghiệp (DN) trong nước chủ yếu tham gia cung ứng in ấn và bao bì sản phẩm, không hề có một DN nào đủ chuẩn cung cấp các linh kiện như con ốc vít hay chiếc sạc pin (!). Lý do đơn giản chỉ vì các nhà sản xuất trong nước không đủ chuẩn để trở thành nhà cung ứng linh kiện theo điều kiện của Samsung. Nếu biết rằng mỗi năm Samsung sản xuất tại Việt Nam khoảng 400 triệu chiếc điện thoại thì thấy rằng DN Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội lớn ngay trên “sân nhà”. Bởi vì nếu tham gia sản xuất và cung ứng được thì với nhu cầu 400 triệu chiếc sạc pin, và mỗi cái có lãi chừng 1 USD, các DN Việt Nam có thể thu được lợi nhuận từ sản phẩm này lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nếu với nhiều sản phẩm khác cũng tương tự như vậy thì giá trị mang lại cho DN trong nước sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Gần đây, khi các yếu kém, thua thiệt trong lĩnh vực này được nhìn nhận rõ hơn, vấn đề phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước lại được “xới” lên với sự tham gia khá tích cực của các bên liên quan. Qua các cuộc thảo luận, nhiều ý kiến khẳng định rằng việc sản xuất các sản phẩm phụ trợ nói trên không phải là quá khó đối với DN trong nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay thì vấn đề không phải là công nghệ, trang thiết bị máy móc hay bí quyết kỹ thuật mà là do thiếu sự định hướng để các bên “bắt tay” hợp tác với nhau. Như vậy thì câu chuyện con ốc vít hay cái sạc pin không chỉ là chuyện riêng của các DN đơn lẻ mà chính là trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng trong việc quy hoạch và định hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) quốc gia.
Được biết, Bộ Công Thương đang xây dựng chương trình phát triển CNPT thành chương trình quốc gia, theo đó sẽ thành lập quỹ đầu tư công nghiệp phụ trợ 2.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ toàn diện cho các DN để đáp ứng các tiêu chí sản xuất. Với sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như nỗ lực của các DN, hy vọng trong tương lai gần, ngành CNPT của Việt Nam sẽ phát triển mạnh và các DN trong nước sẽ không chỉ làm được những con ốc vít mà có thể sản xuất được những linh phụ kiện phức tạp hơn. Ngành CNPT luôn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn khác như dệt may, điện - điện tử, lắp ráp ôtô… nên cần có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đủ mạnh để phát triển cả về tài chính và chiến lược sản phẩm. Ngoài chính sách về nguồn vốn, điều mà các DN mong muốn là vai trò định hướng, cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng, để họ có thể làm ra những sản phẩm có chất lượng cao, tham gia vào chuỗi cung cấp sản phẩm của các nhà sản xuất lớn đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, LC, Nokia, Canon, Intel…
Hiện nay, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà sản xuất tầm cỡ thế giới đầu tư các nhà máy tại Việt Nam, vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức lớn cho việc phát triển ngành CNPT trong nước. Cơ hội vì nó diễn ra ngay trên “sân nhà” nên các DN trong nước sẽ có những lợi thế cạnh tranh nhất định. Thách thức vì mình là người đi sau nên sẽ khó khăn hơn những người đi trước. Do đó, nếu không nỗ lực vượt trội thì sẽ khó mà tìm được chỗ đứng cho mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, dù chỉ là việc cung cấp những linh kiện nhỏ như con ốc vít hay cái sạc pin cho chiếc điện thoại.
Chuyện nhỏ mà không nhỏ là thế!
HẢI ĐĂNG