Bão lòng
Truyện ngắn của NGÔ NỮ THÙY LINH
Thương dựng chiếc xe máy trước cửa, bước vào hiên nhà, giũ giũ áo mưa. Trời vẫn mưa như trút nước. Cô cởi tấm áo mưa, ngó nghiêng vào bên trong. Cả ngôi nhà ngói ba gian cũ kỹ, sộc lên mùi ẩm mốc. Thương gọi khẽ:
- Ba ơi, ba à, ba đang làm gì đấy?
Đáp lại tiếng cô là bước chân cuống quýt của con Lu. Nó chạy xồng xộc ra phía cửa, mũi hẵng còn dính đất, liếm vào chân cô tỏ vẻ mừng rỡ. Cô hỏi con chó như hỏi người thân:
- Ba đâu rồi Lu?
Nó giơ hai chân trước lên, cào cào vào chiếc quần ngắn của cô, mắt hướng ra ngoài vườn. Theo bước chân nó, cô bước ra sau, tấm lưng còng của ba đang lúi húi dưới mấy bụi mía rậm rạp. Đôi bàn tay thô ráp, đã chậm chạp theo thời gian, đang cố níu giữ những cây mía bị cơn gió mạnh thổi rạp chiều hôm qua. Hết kéo bên này lại giật bên kia, nhưng dường như sức nặng của những cây mía đã làm cho ông Ngô thấm mệt.
Đứng ở chái bếp sau nhà, Thương gióng giả:
- Mưa gió thế này, ba cứ ở miết ngoài vườn làm gì vậy ba ơi, mấy cây mía đó, mai mốt nó lớn thêm, cũng bán được bao nhiêu đâu. Rồi ba bịnh ra, không có con ở nhà, ai chăm ba được. Ba vào nhà đi cho con nhờ… Ba ơi!
Giọng Thương nửa dằn dỗi, gay gắt, nửa năn nỉ, cầu xin, chỉ mong ba bỏ dở việc, chủ động bước vào nhà nghỉ ngơi. Đã ba ngày nay, mưa gió vần vũ trên những mái nhà, gió rít từng cơn. Mấy đêm liền nằm ôm con trong mùng, nghe đài báo tin bão xa, bão gần… cô lại quằn quặn lo cho ba. Sợ ba một mình chống chọi với những vất vả. Mưa to gió lớn thế này cơ mà… Bảy mươi mấy tuổi rồi chứ có phải trẻ trung cứng cáp như hồi nẳm đâu. Đã nhiều năm rồi ba không còn là chàng lính ngự lâm trẻ, xông xáo và mạnh mẽ như những năm tháng ở chiến trường. Cộng thêm nỗi buồn đau từ ngày má mất, ba yếu đi rất nhiều.
Nhà có ba chị em, hai đứa nhỏ học trên thành phố, lấy vợ rồi sinh sống trên đó luôn. Mỗi mình Thương nhờ tấm bằng cử nhân sư phạm loại giỏi, may mắn sớm xin được việc tương đối gần, chỉ cách nhà tầm hơn nửa giờ chạy xe máy. Cô cũng chỉ quấn quýt bên ba thêm được ba năm. Ba năm ấy cứ hết giờ lên lớp ở trường là cô chạy đôn đáo về nhà. Cứ về đến nhà là ba ơi ba hỡi, nếu chỉ nghe giọng rất dễ nhầm là một nữ sinh cấp ba đang làm nũng. Nhưng rồi tình yêu len nhẹ vào trái tim cô và giờ Thương cũng đã hai đứa nhóc bám mẹ suốt ngày, ríu rít bi bô không thôi. Cô cũng chẳng còn mấy thời gian dành cho ba, dù lòng cứ đau đáu. Cứ mưa gió là bão lòng trong cô lại cuồn cuộn dâng lên đến thắt buốt ruột gan. Con gái thương cha mà, dân gian xưa nay đâu có sai. Nhưng hễ bày tỏ thì thể nào ông già cũng gạt phắt, thuyền theo lái, gái theo chồng, vả chăng bọn nhỏ cần mẹ hơn ba cần con. Ba vẫn khỏe, vẫn ăn ngon ngủ tốt thôi. Chớ có bận tâm…
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Nhà nội cách nhà ngoại tầm ba mươi cây số, mỗi lần về, cô đều phải tay xách nách mang, đưa cả hai đứa nhỏ theo cùng. Hôm nay trời mưa bão, một mình trên chiếc xe cô còn sợ gió sẽ cuốn mình xuống bờ ruộng lúc nào không hay. Nhưng ruột cứ cồn cào lên mỗi khi thời tiết bất ổn. Lo ba ở nhà không có người dọn dẹp, che chắn cho ngôi nhà dột trước, xiêu sau. Đã bao lần, cô bàn với hai em, xây cho ba ngôi nhà mới. Nhưng cứ hễ nói ra, ông Ngô lại lắc đầu:
- Ngôi nhà này ba má xây từ thời tụi bây chưa sinh, năm tháng bào mòn tuổi xuân và đã đưa má về với ông bà. Không lẽ chút kỷ niệm của má bây, ba không giữ được. Cứ để cho ba được quen với khung cảnh xưa cũ. Góc bếp này, ngạch cửa kia, cái bàn đó, khung ảnh trên tường… cả những vệt vôi ẩm thấm nước mưa lâu năm loang lổ cũng khiến ba nhớ má bây…
Nói đến đó, đôi mắt của ba đã ầng ậng nước. Lũ con nhìn nhau, chẳng biết nói với ba thế nào cho đặng. Những trận bão lòng lại dồn nén trong lồng ngực Thương, nhiều đêm cô cứ thế chảy nước mắt khóc thầm thương ba. Thương thế thôi chứ cũng chưa biết làm sao hơn.
***
Má Thương mất vào mùa mưa bão, cũng những ngày nước xâm xấp mặt sông. Ba chèo thuyền đi lượm củi, vài thứ lặt vặt trôi nổi trên sông. Má kéo lũ con nhỏ đi bắt cá, kiếm bữa ăn cho cả nhà. Thương bầy con nhỏ quanh năm với dưa cà, rau củ trong vườn, nên má cứ trầm mình mãi dưới con nước. Đợt đó về má bị cảm, cứ nghĩ uống vài viên thuốc rồi sẽ lại mạnh khỏe như mọi lần. Nhưng lần ấy thì không. Mà Thương cứ đau rề rề… rồi phải nhập viện. Nói mãi má Thương mới chịu nghe; ba nói nhập viện để trị cho dứt điểm chứ cứ mua thuốc ngoài hiệu về uống không ăn thua. Rồi một hôm, bác sĩ gọi ba lên nói chuyện riêng, thế rồi lúc về bệnh phòng, ba cứ ngồi ở hành lang mãi không vào bên trong, nước mắt cứ thế chảy dài. Lúc Thương đưa cơm đến từ xa đã thấy thế, lấy làm lạ nhưng dừng chân xem thử ba có làm sao không. Khi lau nước mắt cũng là lúc ba thấy Thương. Có lẽ áng chừng con mình đến đã lâu nên ba ngoắc Thương lại. Rồi má đi. Sau ba mới kể lại cho Thương biết là bác sĩ nói tim của má Thương vốn có vấn đề, đang lúc suy kiệt lại dầm mưa nên phát bệnh, tiếc là vào viện muộn quá…
Má Thương vốn sợ bệnh viện. Phần vì nhà túng bấn, phần vì má sợ mùi bệnh viện. Má bảo hồi đó ông ngoại kêu đau đầu, cả nhà đưa ông ngoại lên bệnh viện. Nhưng chỉ nửa ngày sau thì ông mất. Người ta bảo, do những năm tháng chiến tranh, ông bị trúng đạn ở đầu, may cứu kịp nên còn sống tới bây giờ. Nhưng tuổi tác bào mòn sức khỏe, chẳng ai có thể chống chọi được với thời gian. Hồi đó, nhìn sự đau đớn, vật vã của ông ngoại trong mấy tiếng đồng hồ, má đã không chịu được. Kíp trực hôm đó rất nhiều bác sĩ, tiếng chạy huỳnh huỵch dưới hành lang, tiếng y tá gọi nhau dồn dập, nhưng cuối cùng ông ngoại cũng đã nhắm mắt xuôi tay. Nỗi ám ảnh ấy đã khiến má sợ bệnh viện, sợ mãi cho đến ngày má cũng nối gót theo ông.
Ngôi nhà ngói ba gian cũ kỹ bao bọc chị em Thương suốt những năm tháng ấu thơ vắng má tự nhiên rộng rãi, thừa thãi đến hoang hoác. Đồng lương thương binh của ba đã không đủ để trang trải cho ba đứa con nheo nhóc. Cuối cùng đến mấy năm cấp 3 thì ba đành bấm bụng cho Thương lên phố ở với người cô họ hàng xa. Ngoài giờ học, Thương phụ cô phục vụ quán ăn, chăm các em nhỏ. Được má dạy dỗ cẩn thận từ tấm bé, nên Thương cũng siêng năng, tháo vát, được cô dượng thương quý, chăm lo học hành tử tế. Lâu lâu, khi thì cô dượng đưa Thương về thăm nhà, khi thì Thương tự về. Những năm tháng nơi phố thị, nỗi nhớ da diết của Thương là ba, là hai em nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn ở nhà. Nhiều hôm, sau những giờ phục vụ khách ngoài cửa hàng, Thương lại ngồi bậu cửa, nhìn xa xăm ra quốc lộ. Mường tượng về khung cảnh ở nhà. Lúc này ba đang làm gì, hai em đang làm gì, nước mắt Thương lại chực trào trên đôi má non nớt tuổi đôi tám.
Hồi tính chuyện thi đại học, Thương nuôi ước mơ đứng trên bục giảng và hơn nữa là không phải lo chuyện học phí. Thương nghĩ một ngày nào đó, sẽ được về gần ba, chăm lo cho ba nhiều hơn, bù đắp những năm tháng ba gồng mình nuôi ba chị em khôn lớn. Từ ngày má mất, ba cũng không còn nghĩ đến người đàn bà nào khác. Mà cũng đúng, chẳng có người đàn bà dại khờ nào lại va vào anh thương binh và đàn con nheo nhóc suốt ngày tới tiền ăn, tiền học, tiền linh tinh đủ thứ.
Nhiều đêm ôm con ngủ, cô cứ tẩn mẩn nghĩ suy, cuối cùng tính cho kỹ thì đời ba được mấy ngày vui... Gởi tuổi thanh xuân ở chiến trường, hòa bình lập lại may mắn gặp má, dù vợ con nheo nhóc nhưng hình như đó là những ngày hạnh phúc nhất. Nhưng dài chẳng tày gang bởi má mất sớm quá, ba vốn khổ lại càng thêm vất vả. Con cái cứng cáp chút thì lại ở xa. Về già lại thui thủi một mình. Thật, đời ba chẳng được mấy ngày vui.
- Hai đứa nhỏ đâu, sao không chở nó về chơi với ba cho vui, nay nghỉ mà?
- Tụi nó đã đi học đâu ba, vẫn đi nhà trẻ hằng ngày ạ. Vả lại hôm nay mưa lũ, chở mấy đứa theo con sợ nó bịnh nên trường cho nghỉ nhưng con gởi chỗ cô giáo trông hộ. Con về xem tình hình ba thế nào, mua cho ba mấy lốc sữa, đồ ăn thức uống cho ba phòng mưa gió dài ngày nè.
Ngừng buộc đám mía, ông Ngô rảo bước vào nhà, nụ cười ấm áp pha chút bối rối - vì khiến con gái không vui - nở trên đôi môi, khóe mắt nhăn nheo, đôi mắt đã đục mờ. Giọng như hối lỗi:
- Ba có tiền lương mà con, một tháng nhiêu đó, ba ăn đâu có hết. Sửa sang đám mía với rau rác chút chứ không mưa gió vầy, gãy đổ hư hỏng hết… Với lại cũng đỡ thừa thãi chân tay.
- Nhưng con có thấy ba mua gì đâu. Lúc nào về nhà, con cũng thấy cá kho rim, kho đi kho lại, thêm miếng thịt nạc rồi kho lại kho đi. Con không thấy ba mua sữa uống, cũng chẳng thấy trong tủ lạnh có thêm đồ ăn gì. Ba ăn uống như vậy, tuổi già sức yếu, chịu sao nổi.
Vừa nói, Thương vừa ấm ức lấy tay quệt nước mắt. Bao năm vẫn vậy, trừ những ngày cố cứng cỏi ở phố, giấu nỗi nhớ ba và các em vào trong, thì Thương vẫn luôn là cô gái mau nước mắt. Sợ ba sẽ không chịu nổi những ngày giông bão dập dìu ghé qua căn nhà, sự cô đơn bủa vây lấy người cựu binh ấy. Nhiều lần cô cũng ngỏ ý muốn ba tìm thêm một người để bầu bạn tuổi xế chiều, nhưng mà ba một mực không chịu.
Cánh cổng kẽo kẹt, có tiếng con Lu sủa như reo. Tiếng nhẹ nhàng của chân trần. Cô Hòa hàng xóm gọi vọng vào:
- Ông Tư đâu, trời mưa bão không xuống chợ được, nhà có mấy con gà bị lũ nó cuốn, dồn một đống, sáng nay ông nhà làm thịt sạch sẽ, kho sả ớt, tôi mang sang cho ông một cặp lồng, cất dần trong tủ lạnh, thèm thì lại mang ra kho ăn nè.
Thương vội vàng bước ra ngoài, lau giọt nước mắt chưa kịp khô trên má. Rối rít cảm ơn cô Hòa. Cũng nhờ cô qua lại thăm nom, mà mấy nay ở nhà chồng xa xôi, Thương cũng bớt lo hơn về ba.
- Rồi ba cũng theo má tụi bây, mấy đứa cứ lo ổn định công việc, lo cho gia đình, đừng lo cho ba nhiều quá. Ba đã nói như thế khi thấy Thương lại tất bật chuẩn bị áo mưa, nón để về. Thương cười động viên:
- Ba cứ đùa con, má mất vì bịnh, giờ ba là người thân duy nhất của tụi con, dù như thế nào, tụi con vẫn lo cho ba, để ba sống vui, sống khỏe bên con cháu chứ!
Thương có ý định chuyển về ở hẳn với ba, xin về dạy ở trường cấp ba gần nhà cho tiện. Tiện đường tiện sá có thể chăm ba nhiều hơn. Công việc của chồng cô là kỹ sư cầu đường, rày đây mai đó, ở nhà cũng không nhiều. Cô sẽ hỏi ý kiến anh, về việc xây dựng nhà mới trên nền đất của ông ngoại, chuyển về ở hẳn với ông. Ở bên nội, các anh, các chị cũng ở vòng vòng gần đó, chạy qua chạy lại chăm ông bà nội thuận tiện hơn. Ông bà nội còn có đôi, lại có các anh chị em; còn ông ngoại thui thủi một mình. Thấy thương quá…
Cô chưa nói ra vì chuyển công tác không phải là chuyện dễ. Hơn nữa cũng còn phải tìm hiểu về trường, chưa biết giáo viên trong trường thiếu đủ thế nào. Thương không học cấp ba ở quê nhà nên không có thầy cô quen trong khi danh nghĩa cựu học sinh cũng là một lợi thế không hề nhỏ. Còn đang phân vân giữa đi và ở, giữa chọn về nhà chăm ba và việc ở bên nội thì chồng Thương chủ động gợi ý.
- Hay anh xin cho em về trường cấp ba gần nhà ngoại, vợ chồng chúng mình cất một căn nhà bên ngoại cũng được.
Thương ngạc nhiên, nhìn chồng đầy ngờ vực. Cô không biết anh đã hiểu ý định này của cô từ bao giờ. Mắt cô rưng rưng:
- Sao anh biết em muốn như vậy?
Anh cười:
- Sao anh không biết được. Em là vợ của anh mà. Những ngày thăm ba trở về, thấy nét mặt u sầu của em là anh đoán ra rồi. Anh cũng thương ba, những năm tháng tuổi già vật lộn với vết thương chiến tranh, hai cậu ở xa, lâu mới về được. Vợ chồng mình, còn có cơ hội gần ba nhiều hơn, thì mình làm thôi. Vả chăng chính ông bà nội cũng gợi ý vợ chồng mình cân nhắc về ở với ông ngoại chứ thấy ông cứ lụi cụi một mình không đành lòng.
Thương khóc như mưa. Cô ôm chồng, cảm ơn anh rối rít.
Thương đã dọn về nhà mới được hơn năm. Mùa mưa năm trời hành cơn lụt dài ngày. Những cơn mưa lớn nối nhau ràn rạt trên mái nhà. Thương tất bật dọn dẹp trong nhà, lo khép hết các cửa, kho kho nấu nấu. Đó là bên ngôi nhà mới, còn ngôi nhà ngói ba gian đầy ắp kỷ niệm, theo ý ba, vẫn để lại để lưu giữ ký ức những năm tháng khốn khó, có ba, có má và có chị có em. Vợ chồng cô sửa sang lại tươm tất và quanh căn nhà cũ là vườn cây ăn trái, là những khoảnh rau dưa xanh tốt. Mưa xối xả, dâng nước gần ngập cả khoảng vườn rộng lớn. Mấy cây bắp mới nhú cố vẫy chiếc lá để vươn mình xanh tốt. Ba ngồi trước thềm, chơi với hai đứa cháu, chốc chốc lại ngó sang căn nhà cũ giữa vườn. Làn hương trầm mảnh mai lúc nãy Thương sang thắp trên bàn thờ má, cho ấm cúng gian nhà trong ngày mưa theo gió thoảng qua, bất chợt Thương nhìn lên nhà trước còn ba cô thì ngoảnh lại, ánh mắt của hai cha con như giao kết ở nơi làn hương đậu lại, ngan ngát. Thương biết, bão đã dừng sau cánh cửa nhà mình...