Chủ động ứng phó nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão
Từ những vụ sạt lở đất nghiêm trọng do mưa bão tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các địa phương trong tỉnh đã chủ động kiểm tra và đề ra phương án phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt khi mùa mưa bão đang đến gần.
Nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở
Theo Phương án ứng phó thiên tai năm 2024 được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt vào cuối tháng 8.2024, tỉnh có 15 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, 16 khu vực có nguy cơ sạt lở thấp và 7 khu vực nguy cơ sạt lở gây chia cắt giao thông.
Theo UBND huyện An Lão, huyện hiện có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao như khu vực núi Đá (thôn Trà Cong) và Đá Cửa (thôn Vạn Long, xã An Hòa), nơi 52 hộ dân đang sinh sống. Một số tuyến đường ở các xã vùng cao cũng đối diện nguy cơ sạt lở, đe dọa an toàn khi có mưa lũ lớn.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, hai khu vực thôn O3 và điểm cao 130 (thôn Đắk Tra) đều ở xã Vĩnh Kim, có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài ra, một số khu vực có nguy cơ thấp hơn nhưng vẫn gây nguy hiểm, đặc biệt ở các xã hẻo lánh.
Huyện Phù Cát có 4 khu vực nguy cơ sạt lở cao, trong đó nổi bật là núi Cấm (thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành). Mưa lớn vào tháng 11.2021 đã gây ra các điểm sạt lở nghiêm trọng tại đây, ảnh hưởng đến 117 ngôi nhà, trong đó 67 nhà cần được di dời ngay nhưng chưa thể thực hiện.
Ông Lại Minh Đức, Trưởng thôn Chánh Thắng (xã Cát Thành, huyện Phù Cát) chỉ về phía điểm sạt lở trên núi Cấm theo người dân đã có vết nứt. Ảnh: H.THU
Theo phương án ứng phó với thiên tai của tỉnh năm 2024, cảnh báo tại TP Quy Nhơn chỉ còn hai khu vực có nguy cơ cao tại phường Đống Đa; đã “bỏ quên” một khu vực nguy cơ sạt lở cao ở tổ 49, khu phố 5, phường Quang Trung, đã được cảnh báo trong phương án ứng phó với thiên tai của tỉnh năm 2023 và các năm trước.
Các điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong thực tế còn nhiều hơn. Tại hội nghị phòng chống thiên tai của tỉnh tổ chức vào ngày 18.9, dựa trên cảnh báo của các chuyên gia đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Hoàn thiện và triển khai áp dụng kết quả ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám, địa kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo để khoanh vùng và cảnh báo tình trạng trượt lở đất, đá tại các khu vực trọng điểm tỉnh Bình Định” thì có đến 90 vị trí nguy cơ sạt lở tại 11 huyện, thị xã, thành phố.
Chủ động phòng tránh
Để chủ động phòng tránh nguy cơ sạt lở, UBND huyện An Lão đã hoàn thiện kế hoạch và các kịch bản phòng chống thiên tai năm 2024; bố trí phương tiện, vật tư, nhân lực để ứng phó trong các tình huống khẩn cấp. “UBND huyện đã tiến hành rà soát, khoanh vùng các điểm nguy cơ cao, điểm sạt lở thực hiện các phương án di dời dân phù hợp, đồng thời đã chủ động xây dựng lực lượng ứng phó với thiên tai ở cấp huyện và cấp xã gần 1.000 người...”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão cho hay.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Tô Hiếu Trung cũng chia sẻ rằng huyện đã xác định địa điểm an toàn để sơ tán nhân dân, dự trữ lương thực, hàng hóa và thuốc men tại những địa phương có nguy cơ bị cô lập do mưa lũ.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), cho biết xã đã chi hơn 200 triệu đồng để khắc phục bờ sông Hà Thanh tại thôn An Long 1. Cùng với đó, xã đã lên phương án di dời dân khi xảy ra mưa lũ lớn.
UBND xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) đã đầu tư 200 triệu đồng bó rọ đá bờ ngự thủy sông Hà Thanh đoạn qua địa bàn thôn An Long 1 để tránh nguy cơ bị sạt lở. Ảnh: N.HÂN
“Trước tình hình nguy cơ sạt lở cao tại núi Cấm, từ huyện, xã đến thôn đã quan tâm xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người dân thôn Chánh Thắng mùa mưa bão năm nay. Cách đây vài tháng, khi được một người dân báo thấy có vết nứt ở một điểm sạt lở, tôi tự mình lên kiểm tra thì tìm không ra. Trước mùa mưa năm nay, tôi tiếp tục đi kiểm tra, nếu phát hiện có vết nứt hay nguy cơ nào dẫn đến sạt lở sẽ báo cáo ngay UBND xã để có hướng xử lý kịp thời”, ông Lại Minh Đức, Trưởng thôn Chánh Thắng (xã Cát Thành, huyện Phù Cát) cho biết.
Một người dân tại thôn An Long 1, ông Đào Văn Phú, cho biết: “Theo dõi các vụ sạt lở nghiêm trọng tại miền Bắc khiến tôi lo lắng, cả thôn cũng đã chủ động phòng tránh, không ai chủ quan”.
Tại Quy Nhơn, chị T.T.M.D., sống trên sườn núi ở tổ 49, khu phố 5 (phường Quang Trung), cho biết mỗi khi mưa bão, gia đình chị luôn được chính quyền thông báo sơ tán. “Thấy cảnh sạt lở núi tại các tỉnh miền Bắc, gia đình tôi không thể chủ quan. Nếu mưa lớn kéo dài, chúng tôi sẽ chủ động di dời đến nơi an toàn mà không chờ thông báo,” chị D. chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương, cảnh báo sạt lở đất chỉ có thể dự đoán theo cấp độ nguy cơ, bao gồm: Nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao. Cảnh báo nguy cơ cao được đưa ra khi lượng mưa đạt từ 100 - 200 mm trong 24 giờ và nguy cơ rất cao khi lượng mưa vượt quá 200 mm/24 giờ. Càng về cuối mùa mưa, khi đất bị bão hòa nước, nguy cơ sạt lở càng gia tăng.
Ông Chương nhấn mạnh: “Từ những bài học sạt lở núi trước đây và vụ sạt lở do bão số 3 năm 2024, chúng tôi đã đề xuất việc sơ tán dân khi có trận mưa đầu tiên với cường độ 100 mm/24 giờ. Người dân vùng có nguy cơ sạt lở sẽ được di dời đến nơi an toàn cho đến khi kết thúc mùa mưa. Các tuyến giao thông qua vùng có nguy cơ sạt lở sẽ được rào chắn để ngăn phương tiện lưu thông.
Việc chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất, đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính quyền địa phương đã đưa ra các phương án cụ thể nhưng cũng cần sự hợp tác chủ động từ phía người dân để đảm bảo an toàn cho tất cả khi mùa mưa bão được dự báo là tiếp tục diễn biến phức tạp.
HOÀI THU - NGUYỄN HÂN