“Thấy chết không cứu”: Pháp lý và đạo lý
Chiều 20.9, tại ngã tư đường Lê Hồng Phong - Tăng Bạt Hổ (TP Quy Nhơn), xảy ra một vụ chém người gây xôn xao dư luận. Theo điều tra ban đầu, xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp tài sản, Lê Ðức Hùng (SN 1977) đã rượt đuổi, chém anh ruột là Lê Văn Dũng (SN 1967, cùng ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) ngay trên phố giữa ban ngày, gây thương tích nặng.
Ngay sau đó, những hình ảnh, clip về vụ việc nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Ngoài lên án hành vi của thủ phạm, nhiều ý kiến bày tỏ nỗi thất vọng, bức xúc đối với những người có mặt tại hiện trường, trong đó có các nhân viên bảo vệ của một ngân hàng. Hầu hết những người này chỉ biết đứng nhìn nạn nhân bị chém nhiều nhát liên tiếp, gục ngã xuống đường mà không tìm cách can ngăn, cứu giúp.
Hình ảnh Lê Đức Hùng rượt đuổi, chém anh ruột là Lê Văn Dũng tại ngã tư đường Lê Hồng Phong - Tăng Bạt Hổ (TP Quy Nhơn). Ảnh cắt từ video người dân cung cấp
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng không nên chỉ trích những người có mặt tại hiện trường, bởi họ rơi vào tình thế “bất đắc dĩ”. Đồng thời, việc đứng ra can thiệp trong tình huống đó là vô cùng nguy hiểm, nhất là khi thủ phạm đang cầm dao trên tay.
Từ đây, tranh cãi nổ ra giữa những người có quan điểm trái chiều.
Theo luật sư Nguyễn Thế Vũ (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định), liên quan đến tình huống này, tại Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Cụ thể: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm…”.
Trên thực tế, có nhiều vụ việc mà nạn nhân do không được cứu giúp kịp thời dẫn đến tử vong, tuy nhiên rất ít trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh này, vì khó áp dụng bởi nhiều lý do. Còn riêng vụ việc nói trên, nạn nhân bị chém nhiều nhát vào các vùng trọng yếu trên cơ thể như đầu, cổ, như vậy đang rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. May mắn, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra.
Luật sư Vũ cho rằng, việc giúp đỡ người gặp nạn là điều rất nên làm, dù là ở góc độ pháp lý hay đạo lý. Tuy nhiên, mọi người tùy vào từng trường hợp và khả năng của mình, cũng như tính chất, mức độ hành vi, thời điểm, hoàn cảnh để có cách giúp đỡ phù hợp. Bởi nếu cứ nhắm mắt, tùy tiện lao vào cứu giúp nạn nhân trong khi không đủ khả năng thì bản thân người giúp có thể trở thành nạn nhân tiếp theo. Hoặc hành vi giúp đỡ chưa phù hợp, gây thương tích ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của thủ phạm thì bản thân người giúp có thể phải chịu rủi ro pháp lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tâm lý lo ngại cho nhiều người.
Theo luật gia Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh Bình Định), việc cứu giúp người trong lúc nguy khốn không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là truyền thống tốt đẹp của đồng bào ta. Ngày nay, không ít người vô cảm, thờ ơ khi thấy người khác gặp nạn, hoặc muốn giúp đỡ nhưng vì sợ làm ơn mắc oán, liên lụy… mà không dám hành động. Tuy nhiên, vẫn có những người dũng cảm không màng hiểm nguy giúp người bị nạn. Tương tự, trong vụ án trên, sau khi chứng kiến thủ phạm chém người tới tấp mà chưa bị ai ngăn cản, một số người dân đã tìm cách can ngăn, sau đó thủ phạm đã dừng tay.
“Sau rất nhiều tranh cãi, có lẽ sẽ không có hình phạt nào dành cho những người không can thiệp, nhưng tôi tin nhiều người sẽ tự vấn lương tâm. Vì vậy, thay vì phê phán, chỉ trích, tôi nghĩ chúng ta cần đồng cảm, chia sẻ để nâng cao ý thức trách nhiệm, đánh thức lòng hào hiệp, khích lệ những hành động dũng cảm và tinh thần tương thân tương ái trong mỗi người, tất cả vì một xã hội tốt đẹp hơn”, luật gia Huỳnh Văn Chưa nêu quan điểm.
ĐỨC MINH