Nhọc nhằn ở lò hấp cá
Hằng ngày, bên những lò hấp hừng hực lửa tại Cảng cá Quy Nhơn, hàng chục lao động nghèo đang mưu sinh trong nhịp điệu khẩn trương, nhọc nhằn.
Mồ hôi đổ ròng
Hàng chục lò lửa chen nhau trên mặt bằng nhỏ hẹp đã biến khu vực hấp cá (cạnh chợ cá Cảng cá Quy Nhơn) trở thành “chảo lửa”. Trong số hàng chục lao động đang làm việc tại đây, cái nóng của “chảo lửa” tác động trước hết lên những người làm nhiệm vụ giữ lửa, canh lò hấp. Mồ hôi đổ ra như tắm, chảy ròng trên những khuôn mặt đỏ lừ vì trực tiếp làm việc với lửa trong suốt nhiều giờ đồng hồ.
Một ngày công của người hấp cá ở Cảng cá Quy Nhơn có thể lên tới 200 ngàn đồng. Mức thu nhập tương đối hấp dẫn với lao động hiện nay nên thu hút cả lao động vùng ngoại ô TP Quy Nhơn và huyện lân cận Tuy Phước. Sáng sớm nào, ông Nguyễn Đình Của (53 tuổi, nhà ở xã Phước An, huyện Tuy Phước) cũng chạy xe xuống Cảng cá Quy Nhơn gia nhập vào đội ngũ hấp cá. Ông tâm sự: “Thu nhập tính ra là tương đối, nhưng ăn được đồng tiền của người ta chẳng dễ chút nào”.
Cái “chẳng dễ chút nào” mà ông Của nói là quần quật với chuỗi việc: đặt rổ cá vào lò, canh lửa, vớt bọt, xoay đều rổ cá khi nước sôi bùng, vớt cá; cứ thế luôn tay với hai lò hấp (người giỏi có thể phụ trách 4 lò hấp) đến rổ cá cuối cùng trong ngày. Ước tính, mỗi người hấp cá làm việc với chừng 500kg cá, mực/ngày.
Phần đông, người hấp cá là nam. “Phải là nam thì mới chịu được nóng trong thời gian dài. Hơn nữa, việc đặt và vớt rổ cá ra khỏi lò hấp khá nặng nhọc, lại rất dễ bị phỏng nên không mấy chị em dám nhận việc”, anh Lê Bá Thạnh (43 tuổi, ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) một người hấp cá có thâm niên hơn chục năm giải thích.
Vậy nên, phụ nữ hấp cá ở lò hấp thường “nổi tiếng” hơn. Vào lò hấp hỏi thăm “cô Cờ hấp cá”, ai cũng biết. Giữa nghi ngút hơi nước bốc lên từ hai lò hấp nóng hổi, người phụ nữ 53 tuổi này đang tất bật với các rổ cá. Phía trên bà, bồ hóng bếp giăng kín, thỉnh thoảng rơi xuống mái tóc mướt mồ hôi. Dưới chân, nước rửa cá, rửa mực lẹp nhẹp. Nhưng chẳng quan tâm gì đến khung cảnh xung quanh ấy, bà Nguyễn Thị Cờ, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn - cứ lăng xăng với số công việc đang chờ mình.
30 năm hấp cá, bà Cờ đã quen tay. “Ai cũng nói công việc nặng nhọc, sức đàn bà thì yếu không kham nổi nhưng tui quen rồi. Chịu được nóng là tui làm. Cứ túc tắc tích góp. Hồi trước, tui còn mang khẩu trang, áo dày cho đỡ nóng, chứ bây giờ thì quen rồi. Lo được cho chồng, cho con cũng từ hấp cá mà ra cả đấy!”, bà Cờ xởi lởi. Rồi bà đưa tay quẹt mồ hôi trên trán, bỏ nhỏ thêm với chúng tôi: “Tháng mưa, trời mát nên ở trong này còn dễ chịu, chứ trời mùa hè thì nóng thôi rồi...”.
Bị… chồng chê
Có phần nhẹ nhàng hơn lực lượng hấp cá là những người phụ nữ đảm nhiệm khâu phân loại cá, rửa, cắt và xếp cá vào rổ tre. Nước cá tanh ngòm bám riết vào người nên câu trả lời nửa đùa nửa thật của những người phụ nữ này khi chúng tôi đề cập đến đặc trưng công việc là chuyện bị… chồng chê. Mấy chị bảo, con gái mười tám, hai mươi chẳng mấy khi chui vào lò hấp này. Có người vì bị người yêu chê nên chọn tìm việc khác. “Mấy người đã lớn tuổi, gia đình đầy đủ như tụi tui thì đành chấp nhận. Chồng có chê cũng mặc kệ. Chuyện tiền cơm, tiền học cho con cứ phải đặt lên hàng đầu”, chị Nguyễn Thị Thanh - khu vực 6, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn - kể chuyện.
Nhưng cũng có những cô gái theo mẹ vào lò hấp từ năm 14 tuổi và chọn gắn bó với công việc nhọc nhằn này. 26 tuổi, Hoàng Thị Mỹ Hương đã có thâm niên 12 năm với việc cắt cá ở lò hấp. Thuở còn đi học, Hương hay theo mẹ vào lò, phụ các công việc nhỏ như cắt và giặt bao ni lông, xếp cá để kiếm thêm. Lớn hơn, “không học nổi nữa”, cha lại đau ốm, công việc nơi lò hấp trở thành kế mưu sinh của cô. Làm chẳng ngơi tay để kịp có cá xuất bán theo đơn đặt hàng nên dù đứa con thứ hai chưa đầy một tuổi, cô đành gửi trẻ. “Nhiều lúc nhớ con nhưng đành chịu. Loay hoay tận 5, 6 giờ chiều mới gặp lại con”, Hương chia sẻ.
Hơn 10 giờ đồng hồ với cá sống và cá chín mỗi ngày không ít vất vả. Nhưng nụ cười, sự lạc quan vẫn đầy khắp. 40 năm gắn với lò hấp, bà Nguyễn Thị Chát, 62 tuổi, ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn, tỉ tê: “Không đến lò cứ thấy nhớ nhớ. Ở đây, người ta nhớ mặt, nhớ tên nhau, thậm chí biết hoàn cảnh của nhau. Người nào vắng mặt vài ngày đều được hỏi thăm. Cùng là dân lao động, ai cũng như ai nên đối xử với nhau thân tình, giản đơn”.
NGUYỄN MUỘI