Tây Sơn động viên người dân mạnh dạn làm giàu
Thời gian qua, huyện Tây Sơn đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo đồng bộ, thiết thực, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời động viên người dân mạnh dạn hướng tới mục tiêu làm giàu chính đáng.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, tỷ hộ nghèo đa chiều trên toàn huyện là 6,95%, giảm 6,53% so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 3,19%, hộ cận nghèo còn 3,76%. Huyện đã hoàn thành cơ bản các tiêu chí huyện nông thôn mới theo đúng nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra.
Có sự hỗ trợ về vốn, KHKT, anh Dũng đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi bò và làm dịch vụ tuốt đậu phụng. Ảnh: ĐINH NGỌC
Vợ chồng anh Tạ Phi Dũng và chị Võ Thị Thơm (xóm 5, thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận) là một điển hình vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của nhà nước và nỗ lực của bản thân. Vợ chồng họ có 4 người con, chị Thơm lại hay đau ốm nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, muốn mở lối sản xuất kinh doanh nhưng không chạy đâu ra vốn. Năm 2013, từ số tiền 50 triệu đồng vay Ngân hàng CSXH huyện thông qua Hội LHPN xã, vợ chồng anh Dũng mua 3 con bò sinh sản về nuôi, cùng với đó, anh còn làm 15 sào đậu phụng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, đàn bò nhà anh Dũng sinh sản đều, ruộng đậu cho năng suất khá, anh có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Mới đây, anh mua máy cày, máy tuốt đậu, tăng gia sản xuất và làm dịch vụ cho bà con trong vùng.
Xác định phải giúp các hộ dân giảm nghèo theo hướng bền vững, chính quyền huyện Tây Sơn tích cực động viên để có thêm nhiều hộ mạnh dạn tiến tới vươn lên làm giàu; cụ thể hóa định hướng này thông qua nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ.
Tại xã Bình Thuận, trong năm 2023, ngoài công tác hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, xã đã hỗ trợ 46 con bò (kinh phí 487 triệu đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) cho 23 hộ gia đình; phối hợp hỗ trợ xây mới 9 căn nhà với tổng kinh phí 560 triệu đồng cho hộ nghèo, cận nghèo… Cùng với đó, xã phối hợp mở 8 lớp tập huấn KHKT, 1 lớp sơ cấp nghề, 2 phiên giao dịch việc làm, thu hút gần 500 người tham gia, tạo việc làm mới cho 138 lao động.
Với mục tiêu tương tự, xã Tây Giang có cách làm bài bản, chi tiết hơn. Hằng năm, xã tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên cơ sở đó xác định nguyên nhân nghèo, sau đó tùy theo nhóm mà có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Ông Ngô Luân, Chủ tịch UBND xã Tây Giang, chia sẻ: Có hộ có nghề nhưng thiếu vốn, chúng tôi sẽ hướng dẫn để họ được tiếp cận tín dụng chính sách; cũng có hộ tuy có nghề nhưng chưa cập nhật kiến thức, công nghệ, thiếu thông tin về khâu tiêu thụ, xã sẽ kết hợp với huyện, tỉnh để giúp họ được bổ sung các thứ còn thiếu, kết nối với DN để họ có thể bán sản phẩm thuận lợi… Nhưng cũng có hộ già cả, neo đơn, không còn sức lao động, mình phải xác định chủ động hỗ trợ, chăm sóc họ.
Năm 2024, huyện Tây Sơn phấn đấu giảm nghèo nhiều hơn so với chỉ tiêu được tỉnh giao (2,2%). Để đạt chỉ tiêu này, huyện tiếp tục thực hiện tốt việc rà soát, nắm rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ, các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ cơ bản, những hộ nghèo, cận nghèo có khả năng thoát nghèo, thoát cận nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp hơn; kết nối với các DN trên địa bàn huyện tiếp nhận lao động từ các hộ gia đình vào làm việc khi có nhu cầu; ưu tiên giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện phấn đấu năm 2024 đào tạo nghề cho 400 người, tạo việc làm mới cho 2.400 người và có 75 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Theo ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện, mấy năm gần đây, với định hướng giúp người dân thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá ổn định nên cùng với vốn, huyện còn hỗ trợ người dân về kỹ thuật (chăn nuôi, trồng trọt) công nghệ (tưới tiết kiệm, giống mới, chế phẩm sinh học...). Đơn cử như đối với cây đậu phụng, hiện đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả như: Liên kết sản xuất đậu phụng theo chuỗi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất như máy trỉa đậu phụng, máy tuốt đậu phụng…
Huyện còn hỗ trợ các cơ sở đăng ký sản phẩm dầu phụng đạt sản phẩm OCOP và áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Hiện có sản phẩm dầu phụng Thượng Giang của HTX Thượng Giang (xã Tây Giang), dầu phụng Thành Mười của cơ sở sản xuất Thành Mười (xã Bình Thuận), dầu phụng Tân Lạc Việt của cơ sở ép dầu phộng Lạc Việt (xã Tây Phú)… đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là nền tảng kết nối để người dân yên tâm sản xuất bởi đầu ra đã rõ ràng, từ đó bà con mạnh dạn tăng diện tích sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
ĐINH NGỌC