Sẻ chia “giọt đào” yêu thương
Không chỉ tự mình sẻ chia yêu thương qua những giọt máu đào, nhiều phụ nữ còn kêu gọi, vận động những người xung quanh cùng tham gia hiến máu tình nguyện. Nhờ đó, phong trào hiến máu ngày càng lan rộng, giúp những bệnh nhân cần máu kịp thời có máu.
Từ phong trào đến trái tim
Nói về cơ duyên đến với việc hiến máu tình nguyện, nhiều chị em cho biết bắt đầu từ việc đáp ứng kêu gọi của địa phương một cách bình thường. Dù vậy, khi đã thử sức, nhận thấy được ý nghĩa của hoạt động và sức khỏe của bản thân vẫn đảm bảo, suy nghĩ về việc hiến máu tình nguyện của các chị dần tích cực hơn.
Chị Võ Thị Hồng Hà vui vẻ giới thiệu 25 giấy chứng nhận hiến máu được chị lưu giữ hơn 10 năm qua. Ảnh: NVCC
Đã có 25 lần hiến máu tình nguyện, chị Võ Thị Hồng Hà (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 7, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) vẫn không quên được ấn tượng lần đầu. Theo chị Hà, năm 2011, tham gia công tác hội phụ nữ tại khu phố, chị được lãnh đạo hội giao nhiệm vụ vận động hội viên hiến máu tình nguyện. Khi ấy, nhiều chị em vẫn còn e ngại điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và bản thân chị cũng thế. Tuy nhiên, sau khi đọc tài liệu và tìm hiểu các thông tin về việc hiến máu, chị quyết định tham gia để làm gương cho các chị em.
Chị Lê Thị Phượng thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Hội LHPN xã Hoài Phú
Còn đối với chị Lê Thị Phượng (ở xã Hoài Phú, TX Hoài Nhơn), lo lắng về lần đầu hiến máu tan biến khi chị được nhân viên y tế tư vấn về ý nghĩa cũng như lợi ích của việc hiến máu tình nguyện. Từ năm 2015 đến nay, chị cảm thấy mỗi lần hiến máu cứu người là một lần hạnh phúc.
“Mỗi giọt máu cho đi là một cuộc đời ở lại, hiến máu giúp được người bệnh trong lúc cần kíp mà sức khỏe bản thân lại không bị ảnh hưởng gì, tôi nghĩ không có lý do gì để tôi không tham gia hoạt động ý nghĩa này”, chị Phượng thổ lộ.
Bà Nguyễn Thị Yến đã có 16 lần hiến máu tình nguyện. Ảnh: Hội LHPN xã Cát Nhơn
Với 16 lần hiến máu tình nguyện, dù đang ở tuổi hưu trí nhưng bà Nguyễn Thị Yến (ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) vẫn cho biết sẽ tiếp tục hoạt động này đến khi nào không còn đủ điều kiện để hiến tặng nữa mới thôi. Theo bà Yến, mỗi giọt máu cho đi chứa đựng nhiều ý nghĩa, là việc làm thiết thực để chia sẻ khó khăn đối với những người bệnh đang cần máu, mang lại cơ hội sống cho nhiều người.
Lan tỏa hành động đẹp
Không chỉ duy trì việc hiến máu tình nguyện mỗi năm, nhiều chị còn động viên các chị em khác cùng chung tay. Theo chị Lê Thị Phượng, hiện chị là nhóm trưởng của một nhóm gồm 5 thành viên là các chị em có chung mong muốn hiến máu cứu người. Không chỉ hiến máu định kỳ trong năm, nhóm của chị còn sẵn sàng trong các trường hợp khẩn cấp.
“Không chỉ tôi mà nhiều chị em khác cũng cố gắng giữ gìn sức khỏe để vừa đảm bảo công việc vừa có thể giúp được một số trường hợp cần máu gấp. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia vận động chị em tại địa phương tham gia phong trào ý nghĩa này”, chị Phượng cho biết.
Còn với chị Võ Thị Hồng Hà, sau hơn 10 năm tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, ngoài những tấm giấy khen và 25 giấy chứng nhận, chị còn có một số chị em tâm huyết cùng đồng hành.
Là người đồng hành cùng chị Hà trong những lần hiến máu tình nguyện, đến nay chị Nguyễn Thị Lý, hội viên của Chi hội Phụ nữ khu phố 7, phường Tam Quan cũng đã có 10 lần tham gia hoạt động ý nghĩa này. “Trước kia, khi nói về hiến máu tình nguyện, bản thân tôi rất sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Dù vậy, sau khi chị Hà vận động và thấy sức khỏe chị ấy vẫn tốt sau nhiều lần hiến máu, tôi đã mạnh dạn thử. Đến nay, tôi vẫn luôn đồng hành cũng chị Hà trong những đợt hiến máu tình nguyện tại địa phương”, chị Lý chia sẻ.
Nói về dự định thời gian tới, chị Võ Thị Hồng Hà cho hay: “Với tôi, cho đi tức là còn mãi, những gì tôi làm không chỉ để chia sẻ với các bệnh nhân mà còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục các con biết yêu thương, sẻ chia. Dù hiện tại công việc hơi bận rộn nhưng tôi sẽ tiếp tục tham gia hiến máu tình nguyện định kỳ 2 lần/năm; đồng thời kêu gọi, vận động các chị em khác cùng tham gia”.
THẢO KHUY