Xung đột Trung Đông “tăng nhiệt” sau vụ nổ máy nhắn tin
Vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin mà lực lượng Hezbollah ở Lebanon đang sử dụng cho thấy một chiến lược tấn công chưa từng có tiền lệ.
Sau khi hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ trong 2 vụ tấn công ở Lebanon, làm hàng nghìn người bị thương và ít nhất 37 người thiệt mạng, nhiều câu hỏi về cách thức cũng như thủ phạm của 2 vụ việc vẫn chưa được giải đáp.
“Thùng thuốc súng” luôn âm ỉ
Israel không thừa nhận đứng sau các vụ tấn công thông qua kích hoạt máy nhắn tin này, nhưng nhiều nhà phân tích nhận định vụ việc rất giống với mô hình chiến dịch của tổ chức tình báo Mossad (Israel). Trước đó, cơ quan tình báo này từng nhúng tay vào các vụ ám sát lãnh đạo của Hamas và Hezbollah trong nhiều thập kỷ, nên nếu vụ tấn công lần này được xác nhận liên quan đến Israel, thì sự leo thang mới trong xung đột ở Trung Đông với nguy cơ các nước trong liên minh bị lôi kéo theo.
Khói bốc lên từ 1 địa điểm bị Israel không kích ở ngôi làng Khiam, thuộc phía Nam Lebanon, hôm 22.9. Ảnh: Rabih Daher/AFP
Hezbollah và Iran đã hợp tác với nhau kể từ lúc nhóm vũ trang này ra đời như là một cách đáp trả việc Israel chiếm đóng Lebanon vào năm 1982. Về phía Israel, nước này phải liên tục đối phó với các nhóm vũ trang như Hamas và Hezbollah trong một phần của cuộc chiến với Iran. Trong khi đó, Iran được cho là đang tiến gần đến vị thế quốc gia hạt nhân, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạn chế phát triển hạt nhân với nước này vào năm 2018.
Ngay cả khi không có chương trình hạt nhân, Iran vẫn là quốc gia có quân đội thuộc nhóm mạnh nhất ở khu vực, họ còn có mối quan hệ khắng khít với các nhóm vũ trang như Houthi ở Yemen và Hamas ở Gaza. Đối trọng với ảnh hưởng của Iran trong khu vực là Mỹ. Chưa nói đến sự ủng hộ rõ rệt dành cho Israel, Mỹ thường xuyên ở thế đối đầu với Iran nhằm tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, cả hai đều nhận thức rõ ràng về hậu quả khi leo thang xung đột. Có lẽ vì thế, bất chấp những hành động khiêu khích của Israel, như vụ không kích lãnh sự quán Iran ở Damascus (Syria) hồi tháng 4.2024 hay vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran hồi tháng 7.2024, việc đáp trả của Iran cho đến nay vẫn ở mức độ hạn chế. Liên quan đến vụ nổ máy nhắn tin, Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Hossein Salami thề sẽ có đáp trả tương xứng “từ trục kháng chiến”. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Mỹ tiếp tục đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Hamas và Israel, nhằm đưa hai bên đến thỏa thuận ngừng bắn.
Israel đang tìm cách leo thang xung đột?
Đối với nhiều người ở Israel, sau nhiều thập kỷ căng thẳng và xung đột, chiến tranh với Hezbollah được xem là một chuyện tất yếu sẽ xảy ra. Trong số những vấn đề cần quan tâm ngay lập tức là số phận của 60.000 người dân Israel ở phía Bắc, vốn phải sơ tán sau ngày 7.10.2023 để đề phòng nguy cơ Hezbollah tấn công tương tự như Hamas đã thực hiện.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng bị chỉ trích tìm cách kéo dài và leo thang xung đột vì mục đích chính trị riêng. Các nhóm đại diện cho những gia đình có người thân bị Hamas bắt giữ trong vụ tấn công hồi tháng 10.2023 cáo buộc ông làm hỏng các thỏa thuận ngừng bắn. Theo nhà phân tích chính trị Ori Goldberg, ông Netanyahu hoan nghênh chiến tranh, nhưng không thể để bất kỳ ai cho rằng ông là người khơi mào. “Nó luôn xảy ra theo cách không thể tránh khỏi, điều mà lãnh đạo Israel không phải chịu trách nhiệm”, ông Ori Goldberg nói. “Họ đang tạo ra lời tiên tri tự ứng nghiệm của riêng họ”.
LÊ QUẢNG (Theo Al Jazeera)