Tri ân tấm gương yêu nước của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Hàng năm, vào các ngày 26 đến 28.8 âm lịch, nhân dân khắp nơi về thành phố Rạch Giá, nơi có đình thờ Nguyễn Trung Trực để chiêm bái, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân vị Anh hùng dân tộc.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Sáng 29.9 (nhằm 27.8 âm lịch), Lễ dâng hương 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2024) đã được tổ chức tại Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực, trung tâm TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, cùng đại diện lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ngành; khoảng 10.000 người dân Kiên Giang, cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dự buổi lễ.
Đã thành thông lệ, hàng năm, vào các ngày 26 đến 28.8 âm lịch, nhân dân khắp nơi về thành phố Rạch Giá, nơi có đình thờ Nguyễn Trung Trực để chiêm bái, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân vị Anh hùng dân tộc.
Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực còn gọi Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực, được người dân Đồng bằng sông Cửu Long quen gọi là Lễ giỗ Cụ Nguyễn hay Ông Nguyễn, từ rất lâu đã là một lễ hội của cộng đồng, của nhân dân.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã hy sinh oanh liệt vì dân, vì nước, thể hiện khí phách anh hùng với câu nói: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người nước Nam đánh Tây”. Sự hy sinh của Cụ Nguyễn đã góp phần hun đúc lòng yêu nước, ý chí quật khởi, kiên cường chống giặc ngoại xâm của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng.
Từ năm 2006 đến nay, hàng năm, tỉnh Kiên Giang thành lập Ban Tổ chức Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực để chuẩn bị các công việc. Mặc dù chính thức diễn ra trong 3 ngày 26-28.8 âm lịch, nhưng người dân từ các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường về dự lễ từ vài ngày trước đó.
Hoạt cảnh tại Lễ dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Việc tổ chức lễ hội được xã hội hóa mạnh mẽ, người góp công, người góp của, tất cả đã tạo nên một lễ hội của nhân dân. Hàng hóa, nhu yếu phẩm tấp nập vận chuyển vào đình để tổ chức những bữa ăn miễn phí cho người dân. Người dự lễ hội được cung cấp cơm chay, nước uống, thuốc thang, chỗ ở miễn phí.
Năm 2023, nhân dịp Lễ hội kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia "Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực-Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang”.
Sự kiện này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn với những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng, của các thế hệ nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Trước khi thực hiện nghi thức lễ dâng hương, hàng ngàn người dân tham gia lễ thỉnh sắc thần Nguyễn Trung Trực trên đại lộ Nguyễn Trung Trực, TP Rạch Giá với rực rỡ cờ hoa, kèn, trống và hàng chục cộ hoa gắn di ảnh Cụ Nguyễn uy nghiêm diễu qua đường phố.
Tại lễ dâng hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung đã nêu bật tinh thần yêu nước, sự hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong những năm đầu chống thực dân Pháp.
Tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước và những chiến công hiển hách của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực xuất thân từ dân chài, áo vải có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ non sông đất nước, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của cha ông.
Hàng năm, lễ hội truyền thống này thu hút hơn một triệu lượt khách thập phương đến tham dự và dâng hương. Lễ hội truyền thống năm nay diễn ra đến hết ngày 30.9 (tức 28.8 âm lịch).
Theo Lê Sen (TTXVN/Vietnam+)