Sạt lở bờ sông, người dân lo mất đất sản xuất
Theo phản ánh của người dân sống ở ven sông tại một số phường ở TX An Nhơn, hiện nay bờ sông phía Nam đập Thạnh Hòa (khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa), bờ sông Gò Chàm (khu vực Phò An, phường Nhơn Hưng), bờ sông phía Bắc sông Đập Đá (phường Đập Đá) nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, xâm thực phần lớn diện tích đất canh tác và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân.
Bà Nguyễn Thị Thu, ở khu vực Huỳnh Kim (phường Nhơn Hòa) cho biết: Cứ vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về sông Côn rất lớn xâm thực bờ sông phía Nam đập Thạnh Hòa, nhiều diện tích bị “hà bá” nuốt chửng. “Để giữ lấy đất canh tác, nhiều hộ dân tự gia cố bờ sông bằng cách trồng tre, cây xanh. Tuy nhiên, mỗi mùa lũ về, nước lại cuốn phăng đi tất cả”, bà Thu cho hay.
Dẫn chúng tôi ra khu vực bờ kè và chỉ tay về phía sạt lở, ông Cao Hòa Đức, Trưởng khu phố Huỳnh Kim, nói với vẻ lo lắng: Chừng 10 năm trước, khoảng cách từ bờ sông đến đất canh tác gần 10 m; nhưng từ 3 năm trở lại đây, mỗi năm nước lũ xâm thực, ăn sâu vào bờ từ 1 - 2 m. Nay thì bờ sông đã tiến sát và cuốn đi nhiều phần đất canh tác. Nếu không sớm ngăn chặn thì hậu quả không thể lường trước được.
Bờ sông phía Nam đập Thạnh Hòa thuộc khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) bị sạt lở nặng. Ảnh: VĂN LƯU
Dọc theo tuyến đê Gò Chàm (phường Nhơn Hưng) cứ vào mùa mưa, nước lũ chảy qua sông Gò Chàm rất lớn, xâm thực, làm mất nhiều diện tích đất của người dân. Hiện còn lại một đoạn bờ sông, từ nhà ông Văn Đình Khương đến nhà ông Phan Ngà dài khoảng 420 m chưa được xây dựng kè, đã bị sạt lở đất sâu vào bên trong bờ, ảnh hưởng đến 20 hộ dân sinh sống dọc đoạn sông này.
Còn tại tuyến kè phía Bắc sông Đập Đá, ông Lê Thanh Hải, ở đội 4, khu phố Bằng Châu lo lắng: “Nhà, đất canh tác đều nằm ở ven sông, nên vào mùa mưa lũ mỗi năm, hàng chục hộ dân nơi đây lo nước lũ dâng cao làm ngập nhà cửa, sạt lở dần đất canh tác”.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế TX An Nhơn, UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp cùng các ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra thực địa các đoạn sông mà người dân phản ánh. Qua kiểm tra, đoạn bờ sông về phía hạ lưu đập Thạnh Hòa, có tình trạng xâm thực nặng và cuốn đi nhiều phần đất canh tác. Tuy nhiên, đoạn này không nằm trong danh sách những tuyến đê sông xung yếu, nên chờ bố trí kinh phí mới xây dựng.
Đối với sông Gò Chàm, đoạn bờ sông chưa xây kè nằm giữa 2 đoạn kè đã kiên cố dài khoảng 270 m, có nhiều nhà dân sinh sống hiện hữu lâu năm. Nhìn chung, trong những năm qua, các hộ dân đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ bờ ngự thủy nên không xảy ra thiệt hại về tính mạng và tài sản. Thị xã yêu cầu UBND phường Nhơn Hưng tiến hành kiểm tra, khảo sát thiết kế kỹ thuật, bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng trong thời gian đến.
Riêng tuyến kè phía Bắc sông Đập Đá, HĐND thị xã đã cho chủ trương đầu tư dự án khu dân cư và kè phía Bắc sông Đập Đá. Tuy nhiên, đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn, do nguồn thu ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn, thị xã sẽ điều chỉnh thời gian, tiến độ thực hiện đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 sang giai đoạn 2026 - 2028.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn cho biết: UBND thị xã đã tổng hợp 75 tuyến đê kè trên địa bàn, với chiều dài 65,15 km và đề nghị đưa vào đề án đầu tư xây dựng nâng cấp, sửa chữa giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên mới chỉ được phê duyệt 16,96 km đê, kè đăng ký. Hiện nay, để thực hiện những công trình đê, kè phải cần nguồn kinh phí rất lớn; danh mục công trình, dự án, đối tượng cần bảo vệ theo thứ tự ưu tiên. Trong giai đoạn hiện nay, việc đầu tư xây dựng công trình đê, kè phải thật sự là những tuyến xung yếu, hư hỏng nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân tại những khu dân cư mật độ cao.
VĂN LƯU