Tàu vũ trụ của NASA sắp đi vào quỹ đạo sao Hỏa
Ngày mai (22.9), một tàu vũ trụ của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) chuẩn bị đi vào quỹ đạo của sao Hoả, với nhiệm vụ nghiên cứu về thượng tầng khí quyển của hành tinh đỏ và khám phá cách thức biến đổi khí hậu của hành tinh này qua thời gian.
Sau chặng hành trình kéo dài 10 tháng qua, tàu vũ trụ không người lái của NASA mang tên MAVEN (viết tắt của Khí quyển và tiến hoá bất ổn định của sao Hoả) dự kiến sẽ đi vào quỹ đạo sao Hoả và bắt đầu quay quanh hành tinh láng giềng của trái đất vào lúc 8h30', ngày 22.9 (giờ Hà Nội).
Những phát hiện của tàu MAVEN được kỳ vọng sẽ mở đường cho sự viếng thăm của con người tới hành tinh đỏ trong tương lai, có thể sớm nhất là vào năm 2030.
Tàu MAVEN được phóng hồi cuối năm ngoái. Đến nay, nó đã đi được 711 triệu km.
6 động cơ đẩy nhỏ của tàu MAVEN sẽ được khởi động và cháy trong 33 phút để giúp giảm tốc độ con tàu một cách ổn định, cho phép nó tiến vào quỹ đạo hình êlip trong thời gian 35 giờ.
Khi bắt đầu quay quanh sao Hoả, tàu MAVEN sẽ bước sang giai đoạn chạy thử nghiệm trong 6 tuần trước khi chuyển sang sứ mệnh nghiên cứu kéo dài 1 năm. Con tàu của NASA sẽ tìm hiểu về các loại khí ở thượng tầng khí quyển của hành tinh đỏ cũng như cách thức tương tác của hành tinh này với mặt trời và gió mặt trời.
Mục đích chính của sứ mệnh nghiên cứu này là nhằm trả lời câu hỏi điều gì đã xảy ra đối với nước và khí CO2 hiện diện trong hệ khí quyển của sao Hoả cách đây vài tỉ năm. Qua đó, các nhà khoa học có thể hiểu được lịch sử hình thành của sao Hoả, bầu khí quyển cũng như khả năng có thể có sự sống trên hành tinh này, ít nhất ở dạng vi khuẩn.
Vài năm trở lại đây, NASA đã đưa vài robot thám hiểu tự hành và và tàu thăm dò lên sao Hoả. Robot mới nhất được phóng mang tên Curiosity (Tò mò) đang thám hiểm miệng núi lửa Gale và ngọn núi Sharp ở phía Bắc của sao Hoả. Robot này có nhiệm vụ tìm kiếm mẫu đất đá đáng chú ý và gửi dữ liệu về để phân tích liệu môi trường trên sao Hoả có dấu vết nào của sự sống từng tồn tại trước đây hay không.
Sao Hỏa được cho là từng có khí hậu nóng và ẩm - điều kiện có thể hỗ trợ một dạng sự sống nhất định nào đó - cách đây một thời gian dài. Giới khoa học đang cố gắng tìm hiểu liệu sự sống có tiến hoá trên hành tinh đỏ hay không và điều gì đã biến sao Hoả thành khô hạn, cằn cỗi như bây giờ.
Sứ mệnh đưa con người lên sao Hoả có thể diễn ra vào thập niên 30 của thế kỷ 21. Đây sẽ là sứ mệnh mạo hiểm nhất từ trước đến nay bởi những người đi tiên phong thám hiểm hành tinh đỏ có thể sẽ không trở về trái đất được.
Tố Uyên (Theo AFP)