Nâng cao hiệu quả công tác chất vấn trong Đảng
Chất vấn là một hình thức sinh hoạt dân chủ trong Đảng. Thông qua công tác chất vấn để tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cũng như tăng cường trách nhiệm của cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng các cuộc chất vấn trong đảng hiện chưa nhiều và chưa trở thành hoạt động thường xuyên đối với các tổ chức đảng. Chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn cũng chưa cao.
Nguyên nhân trước hết là do một bộ phận cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác chất vấn nên chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn chung chung, thiếu quyết tâm. Ngoài ra, Hướng dẫn số 07-HD/UBKTTW, ngày 30.7.2012 của Ủy ban kiểm tra Trung ương xác định chủ thể chất vấn là các đồng chí cấp ủy viên, nghĩa là chỉ có đảng viên là cấp ủy viên mới được trao quyền chất vấn trong đảng. Trong khi đó, các đảng viên không phải là cấp ủy viên mặc dù là những người trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đảng, cần được đưa ra ý kiến chất vấn về vai trò lãnh đạo của cấp ủy thì lại chưa có cơ chế để tham gia hoạt động chất vấn trong hội nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy.
Mặt khác, đối với một bộ phận đảng viên là chủ thể được trao quyền chất vất có tâm lý nể nang, ngại va chạm khi chất vấn vì cho rằng nếu đưa ra yêu cầu chất vấn sẽ tạo tư tưởng hoài nghi, thiếu tin tưởng giữa các đồng chí trong cùng cấp ủy với nhau. Ngược lại, một số cấp ủy viên khi được yêu cầu trả lời chất vấn cũng chưa thực sự thoải mái, thậm chí không hài lòng, nhất là khi người chất vấn giữ chức vụ thấp hơn so với mình. Đó là lý do vì sao thời gian qua rất ít có các cuộc chất vấn mà đối tượng được chất vấn là các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đòi hỏi cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy cần nâng cao nhận thức hơn nữa đối với công tác chất vấn trong đảng, xem đây là một trong những hình thức sinh hoạt dân chủ rộng rãi và thường xuyên, là giải pháp quan trọng để đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong đảng. Qua chất vấn nếu phát hiện có sai phạm thì cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy kịp thời chỉ đạo ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra, xử lý. Công tác kiểm tra, giám sát cần được tăng cường để phòng ngừa, khắc phục tình trạng trù dập đối với người có ý kiến chất vấn trung thực, thẳng thắn; đồng thời góp phần khắc phục những sai phạm, thiếu sót trong việc thực hiện các quy định, nguyên tắc, yêu cầu của công tác chất vấn cũng như việc lợi dụng chất vấn với động cơ xấu, gây mất đoàn kết trong nội bộ cấp ủy và tổ chức đảng.
Nguyễn Trung Đạt