Vun đắp tình nghĩa Việt - Lào sắt son
Ngày hội “Thanh niên Việt - Lào, tự hào tình nghĩa sắt son” do Tỉnh đoàn tổ chức ngày 28.9 vừa qua tại TX An Nhơn đã để lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ cho sinh viên Việt Nam, Lào đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh.
Trải nghiệm nghề truyền thống
Hoạt động được đông đảo sinh viên yêu thích là tham quan làng nghề làm nón lá Gò Găng (ở phường Nhơn Thành) và làng nghề làm gốm Vân Sơn (ở xã Nhơn Hậu). Tại mỗi nơi, các bạn không chỉ đến thăm mà còn được giới thiệu quy trình và trải nghiệm tự tay làm sản phẩm.
Sinh viên Lào tìm hiểu cách làm nón Gò Găng (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn). Ảnh: D.L
Ngạc nhiên khi biết để làm ra chiếc nón lá giản dị, lại cần nhiều sự tỉ mỉ, cẩn thận của người thợ, sinh viên LeuangBounSy Sid (lớp Công nghệ Ô tô Cao đẳng liên thông K17, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) chăm chú lắng nghe các bà, các cô giới thiệu từ khâu tuốt lấy sợi, tạo mê sườn, thắt nang, lợp lá, chằm nón…
Dù chưa thực sự rành tiếng Việt nhưng nhờ các bà vừa nói, vừa thực hiện, Sid đã hình dung phần nào và nhanh nhảu thử chằm nón. “Nhìn các bà làm nhẹ nhàng là vậy nhưng khi trực tiếp làm, tôi mới biết lực tay phải mạnh, phải đều thì nón mới đẹp. Điều này không dễ bởi tôi chỉ mới thử 10 phút đã thấy mỏi. Thật ngưỡng mộ các bà lớn tuổi như vậy mà vẫn khỏe, vẫn khéo. Thế nên, tôi cùng các bạn đã mua một số nón về làm kỷ niệm”, Sid nói.
Ngoài làm nón, sinh viên Lào cũng háo hức khi được đến thăm làng gốm Vân Sơn. Được tự tay mình làm gốm, sinh viên Phandanouvong Vinatda, (lớp Tài chính Ngân hàng K45, Trường ĐH Quy Nhơn) vui mừng khi thấy từ mẩu đất thô kệch phút chốc đã thành lọ hoa xinh xắn trên bàn xoay.
Vinatda chia sẻ: Trước đây, tôi chỉ biết đến các lò gốm qua tivi hay Youtube. Đến giờ, tôi mới được gặp, lắng nghe câu chuyện cha truyền con nối của những người thợ “giữ lửa” ở làng; được hướng dẫn cách làm đồ gốm, tự tay mình nhào nặn đất và xoay trên bàn… Tuyệt vời hơn là tôi còn được nghe kể nhiều câu chuyện thú vị đằng sau những sản phẩm thủ công ấy.
Nói về nét mới của ngày hội năm nay, anh Lý Anh Việt, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, thay vì chỉ mang đến sản phẩm rồi “thuyết minh suông”, chúng tôi kết nối với những hộ dân nhiều đời gắn bó với nghề truyền thống ở An Nhơn, tạo ra không gian trải nghiệm thực tế, giúp các bạn Lào thâm nhập vào thực tế đời sống, lao động sản xuất của người dân địa phương, qua đó có thể cảm nhận rõ hơn về đất và người Bình Định.
Nơi tình bạn “nảy mầm”
Học tiếng Việt từ tháng 3 và chính thức học kiến thức chuyên ngành hơn 1 tháng nay, sinh viên Phonethida Keosakdavanh (lớp Dược K1, Trường CĐ Y tế Bình Định) tham gia ngày hội với hy vọng mở rộng vòng tròn bạn bè. Đúng như ý nguyện, Keosakdavanh đã làm quen với cô bạn Nguyễn Bảo Uyên (lớp Dược 11D) cùng trường hoạt bát, nhiệt tình.
“Chúng tôi trò chuyện từ lúc trên xe và thân thiết hơn khi cùng tập văn nghệ, chuẩn bị cho đêm diễn tại ngày hội. Uyên còn nói vui rằng sẽ giúp tôi quen trường lớp, bạn bè để việc học tập, rèn luyện thuận lợi hơn. Bù lại, tôi sẽ chỉ Uyên tiếng Lào, văn hóa Lào”, Keosakdavanh tâm sự.
Không chỉ những người bạn chung trường, các bạn trẻ khác trường cũng trở nên thân thiết hơn nhờ có chung trải nghiệm. Trương Cao Thảo Nguyên (lớp Trung cấp Nghiệp vụ nhà hàng K17 A, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) sau buổi làm gốm đã kết thân với cô bạn Vinatda dễ gần. Cả hai cùng làm chung bình hoa và cùng sở thích khám phá, du lịch.
Nguyên hào hứng: “Chị Vinatda giỏi tiếng Việt lắm! Nhìn em “trầy trật” tạo hình, chị ấy góp sức ngay và trò chuyện không ngớt. Sau vài lần thất bại, hai chị em đã làm được sản phẩm chung. Chúng em cười không ngớt vì vui và rủ nhau sẽ “hẹn hò” khi về lại Quy Nhơn”.
Đêm lửa trại, các thành viên trong đoàn lẫn ĐVTN ở TX An Nhơn thực sự cởi mở, cùng nắm tay, hát vang những bài hát quen thuộc của giới trẻ. Khoảnh khắc kết thúc ngày hội, xe sắp sửa lăn bánh về TP Quy Nhơn, không ít bạn trẻ tranh thủ cho nhau số điện thoại, địa chỉ tài khoản mạng xã hội…
Về thành phố với “quả ngọt” là lời mời kết bạn trên Facebook của những người bạn mới ở An Nhơn, Sikeophaiboun Xayyavongkhamdy (lớp Ngân hàng & kinh doanh tiền tệ K44, Trường ĐH Quy Nhơn) không khỏi lưu luyến.
Theo Sikeophaiboun, vì là Trưởng ban đại diện Sinh viên Lào tại Bình Định, cô quen biết nhiều người bạn Lào, tuy nhiên, những người bạn Việt Nam vẫn khá ít. Vì thế, có thêm bạn Việt, nhất là ở những địa phương ngoài Quy Nhơn là điều cô bạn luôn mong muốn.
“Với tôi, ngày hội không chỉ là dịp giới thiệu, giao lưu văn hóa giữa 2 đất nước mà còn kết nối thế hệ trẻ Việt Nam - Lào. Nhờ ngày hội, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ những người bạn tuy khác ngôn ngữ nhưng chung sở thích, mối quan tâm nên rất nhanh chóng kết thân. Điều này đặc biệt ý nghĩa với tôi - một người yêu mảnh đất Bình Định và mong có thật nhiều kỷ niệm đẹp trong quãng thời gian ở đây”, Sikeophaiboun chia sẻ.
DƯƠNG LINH