Cơ hội để dừa Bình Ðịnh phát triển
Ngày 19.8 vừa qua, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) để làm rõ hơn về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tiếp cận thị trường dừa tươi Trung Quốc.
• Ông có thể thông tin cụ thể về tình hình phát triển và tiềm năng cây dừa trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Tại Bình Định, cây dừa đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực. Tính đến nay, toàn tỉnh có 9.352,6 ha dừa, trong đó diện tích kinh doanh chiếm phần lớn, với 9.332,8 ha. Năng suất trung bình đạt 119,3 tạ/ha, sản lượng hằng năm lên đến 111.357,9 tấn. Đáng chú ý, diện tích dừa xiêm, giống dừa uống nước chiếm khoảng 24,5%, tương đương 2.292 ha.
Về giống dừa, ngành Nông nghiệp định hướng, khuyến khích người dân tập trung vào hai dòng chính, gồm: Dừa ta dùng để lấy dầu và dừa xiêm dùng để uống nước. Đa phần giống dừa được trồng là các giống bản địa, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Các vùng trồng tập trung chủ yếu ở các huyện như Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân và TX Hoài Nhơn. Đối với dừa xiêm, các khu vực như Cát Lâm, Cát Hanh (huyện Phù Cát), xã Ân Tín, Ân Đức (huyện Hoài Ân), phường Hoài Xuân (TX Hoài Nhơn)... là những nơi có tiềm năng phát triển mạnh.
• Hiện tại, việc tiêu thụ dừa tươi tại Bình Định diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Việc tiêu thụ dừa tại Bình Định được phân chia theo hai hướng chính.
Đối với dừa lấy dầu, trái dừa khô sau khi lột vỏ thường được các thương lái thu gom để tiêu thụ ở thị trường phía Bắc, Trung Quốc hoặc cung cấp cho các cơ sở chế biến trong tỉnh. Một số cơ sở chế biến nổi bật hiện nay bao gồm: Cơ sở Hiền Vương (TX Hoài Nhơn) chuyên sản xuất cước chỉ xơ dừa, hay cơ sở Xuân Hương (huyện Phù Mỹ). Ngoài ra, phân hữu cơ từ mụn dừa cũng được sản xuất bởi DN Thanh Thanh (TX Hoài Nhơn). Nhiều sản phẩm từ dừa của Bình Định đã được chứng nhận OCOP, tiêu biểu như bánh tráng nước dừa, dầu dừa của Cơ sở Ba Quan (HTX Hoài Mỹ) và dầu dừa tinh khiết của HTX Nông nghiệp Ngọc An (TX Hoài Nhơn).
Trong khi đó, dừa xiêm chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh và cung cấp cho các thị trường lân cận. Tuy nhiên, với sự ký kết Nghị định thư về xuất khẩu dừa sang Trung Quốc, khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ dừa xiêm hứa hẹn sẽ tăng cao.
• Việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc mở ra cơ hội gì cho cây dừa Bình Định?
- Việc dừa tươi chính ngạch được xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ giúp giá dừa uống nước tăng cao và ổn định hơn. Điều này sẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân, từ đó khuyến khích họ mở rộng diện tích trồng dừa, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, Nghị định thư này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa DN và nông dân. DN có thể dễ dàng kết nối với các vùng trồng tập trung, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của dừa Bình Định trên thị trường quốc tế.
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội phát triển to lớn cho ngành dừa tại Việt Nam, đặc biệt là đối với tỉnh Bình Định.
- Trong ảnh: Vùng trồng dừa ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân). Ảnh: TRỌNG LỢI
• So với các tỉnh khác, đặc biệt là vùng dừa chủ lực Bến Tre, theo ông dừa Bình Định có lợi thế gì để xuất khẩu sang Trung Quốc?
- Dừa uống nước của Bình Định có nhiều ưu thế nổi bật. Trái dừa to, vỏ mỏng, nhiều nước, với trọng lượng trung bình từ 1,6 - 1,8 kg, thậm chí có thể đạt tới 1,9 - 2 kg. Nước dừa có vị ngọt thanh, đạt độ Brix từ 8 - 10%, đây là chỉ số chất lượng cao, rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Một lợi thế quan trọng khác là khoảng cách vận chuyển từ Bình Định đến Trung Quốc ngắn hơn khoảng 730 km so với từ Bến Tre, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển và bảo quản.
Tuy nhiên, để xuất khẩu sang thị trường này, vùng trồng dừa của Bình Định phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật, theo Nghị định thư vừa được ký kết.
Các vùng trồng phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT (toàn tỉnh có 62 ha/5 mã vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng - PV); đồng thời đáp ứng các yêu cầu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Điều này đòi hỏi sự nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, cũng như thực hiện các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại theo quy chuẩn quốc tế.
• Thời gian tới, Chi cục có những định hướng nào để phát triển cây dừa Bình Định, đặc biệt là việc mời gọi DN thu mua, sơ chế dừa để xuất khẩu sang Trung Quốc, thưa ông?
- Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển diện tích trồng dừa Bình Định đến năm 2025 đạt 9.520 ha, với năng suất 124,7 tạ/ha, sản lượng dự kiến là 116.400 tấn. Đến năm 2030, diện tích sẽ mở rộng lên 10.000 ha với năng suất 122 tạ/ha và sản lượng 117.730 tấn. Trong đó, diện tích dừa xiêm sẽ chiếm 35,5%, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dừa tươi uống nước ngày càng tăng.
Người dân thôn Hội Vân (Cát Hiệp, Phù Cát) chăm sóc cây dừa. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Để đảm bảo cây dừa phát triển bền vững, chúng tôi định hướng các vùng trồng tập trung áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ và VietGAP. Đồng thời, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các DN để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Hiện nay, chúng tôi đang xúc tiến kêu gọi DN về Bình Định đầu tư nhà máy sơ chế, làm đầu mối thu mua và tham gia chuỗi liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm dừa để xuất sang thị trường Trung Quốc. Đây là cơ sở để dừa tươi Bình Định đảm bảo yêu cầu cấp mã số cơ sở đóng gói và triển khai thực hiện các tiêu chuẩn cho trái dừa phù hợp với thị trường Trung Quốc.
• Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)