Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế
Chủ đề Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, đã trở thành trọng tâm của các hoạt động hưởng ứng tại Bình Định. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT, chia sẻ về kế hoạch tổ chức loạt sự kiện trong năm nay.
Ông Nguyễn Minh Thảo. Ảnh: TRỌNG LỢI
* Thưa ông, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, ông có thể cho biết những điểm chính trong chuỗi sự kiện lần này?
- Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia năm nay diễn ra từ 15.9 - 10.10 với nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng và từng cá nhân. Điểm nhấn quan trọng là chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, do tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện trong 10 ngày. Hoạt động này nhằm hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, chữ ký số công cộng.
Ngoài ra, các đơn vị còn triển khai chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Đặc biệt, việc chuyển đổi sim và thiết bị từ 2G sang 4G cũng sẽ được đẩy mạnh, với mục tiêu 100% dân số tỉnh hoàn tất chuyển đổi này trước ngày 16.10.
* Với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, ông có thể đánh giá về tình hình phát triển hạ tầng số và ứng dụng số của tỉnh trong thời gian qua?
- Về hạ tầng số, Bình Định đã đạt những kết quả tích cực. Hiện tại, mạng viễn thông băng rộng di động đã phủ sóng tới 100% trung tâm xã, phường, thị trấn và 99,9% các thôn, làng. Tỷ lệ dân số được phủ sóng băng rộng di động đạt 98,9%. Về 3G và 4G, tỉnh cũng đã đạt tỷ lệ phủ sóng trên 98%, trong khi 5G đang thí điểm tại TP Quy Nhơn với tỷ lệ 0,8%. Về viễn thông băng rộng cố định, đã phủ sóng 100% trung tâm các xã và 99,2% thôn, làng.
Hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước cũng được hoàn thiện, với việc kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II. Hạ tầng này giúp phục vụ các cuộc họp trực tuyến từ Trung ương tới cấp xã một cách thông suốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử. Ngoài ra, trong tỉnh có hai tuyến cáp quang biển quốc tế với dung lượng kết nối lớn, đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao hạ tầng số của tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT cùng đơn vị viễn thông khảo sát thực tế tại xã An Toàn (huyện An Lão) để sớm đầu tư nâng cấp các trạm BTS. Ảnh:Sở TT&TT
* Việc phát triển hạ tầng và ứng dụng số đang được triển khai mạnh mẽ nhưng còn gặp không ít khó khăn. Vậy đâu là thách thức mà Bình Định đang đối mặt?
- Một trong những vấn đề lớn nhất là việc chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện chưa có giải pháp tối ưu. Địa hình rộng lớn của tỉnh, với các xã vùng sâu, vùng xa, khiến việc phát triển hạ tầng viễn thông gặp nhiều trở ngại. Hiện nay, làng O2, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) vẫn chưa có điện lưới và sóng di động. Đây là một thách thức mà chúng tôi đang nỗ lực khắc phục.
* Thời gian tới, Bình Định sẽ tập trung vào những vấn đề gì để thúc đẩy hơn nữa quá trình phát triển hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số, thưa ông?
- UBND tỉnh đang phối hợp với Bộ TT&TT và các tập đoàn công nghệ lớn, như FPT để triển khai những giải pháp tiên tiến hơn. Các lĩnh vực được ưu tiên bao gồm phát triển công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), công nghệ điện toán đám mây, mở rộng phủ sóng di động thế hệ mới (5G). Một mục tiêu quan trọng là xóa bỏ hoàn toàn các vùng lõm sóng viễn thông, đảm bảo tất cả người dân đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ số.
* Ông có thể chia sẻ thêm về một số sản phẩm và dịch vụ số tiêu biểu tỉnh đã và đang triển khai?
- Các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều sản phẩm và dịch vụ số quan trọng. Nổi bật là Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính dễ dàng và nhanh chóng. Bên cạnh đó, các nền tảng thông tin như Zalo OA Chính quyền điện tử và Fanpage Facebook Tin Tức Bình Định cũng đang hoạt động hiệu quả, cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác.
Một bước tiến lớn là việc triển khai thử nghiệm Nền tảng phân tích xử lý dữ liệu tổng hợp cấp tỉnh (Kho dữ liệu số dùng chung). Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như quản lý đất đai, khoáng sản, giáo dục, cán bộ công chức đều đang được số hóa. Việc bảo tồn các di tích văn hóa với hệ thống camera giám sát cho các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng.
* Còn về những kế hoạch phát triển hạ tầng số trong tương lai?
- Tương lai, ngành TT&TT của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác với các cơ quan Trung ương và các đối tác công nghệ lớn để phát triển hạ tầng số một cách toàn diện hơn. Cùng với đó, các hoạt động sáng tạo ứng dụng số sẽ được khuyến khích mạnh mẽ, nhằm đưa Bình Định trở thành điểm sáng trong việc phát triển kinh tế số.
Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)