Chuyện một người giữ hương cốm xưa
Luôn trăn trở làm sao để nâng cao năng suất, số lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn hàng, sau khi tìm tòi, nghiên cứu, ông Nguyễn Đăng Hiểu, 55 tuổi, ở thôn Chánh Liêm, xã Cát Tường, huyện Phù Cát và con trai đã biến những ý tưởng trở thành hiện thực, đưa nghề cốm của gia đình bước sang một giai đoạn mới.
Từng học cơ khí tại Trường CĐ nghề Quy Nhơn (nay là Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), ông Hiểu có niềm say mê cải tiến máy móc, thiết bị, nhất là các máy móc liên quan đến nghề làm cốm mà ông nối nghiệp. Ông kể: “Từ năm 2015, tôi cùng với con trai tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, hiện đang làm tại một DN Nhật Bản (ở TP Hồ Chí Minh), bắt tay vào hiện thực hóa các ý tưởng. Tôi thiết kế, lắp phần khung của máy, con trai tôi thiết kế hệ thống điện, hỗ trợ vận hành các máy, thiết bị. Ban đầu hư hao nhiều lắm nhưng tôi không nản lòng, cứ nghiên cứu sửa chữa, điều chỉnh từng chút một… Kiên trì như thế rồi thành công cũng đến”.
Nhờ vào máy móc, lượng hàng sản xuất tại cơ sở của ông Hiểu luôn đảm bảo nhu cầu của bạn hàng, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động địa phương. Ảnh: A.K
Hiện nay, xưởng sản xuất cốm của gia đình ông Hiểu có các loại máy như: Máy đùng gạo, bắp, máy ngào nguyên liệu, máy cắt, máy cắt cốm theo khuôn, máy đóng gói, máy đóng bì (gồm nhiều gói)… Với sự hỗ trợ của máy móc, xưởng cốm của ông Hiểu sản xuất trung bình 1 tấn sản phẩm/ngày, gấp 3 - 5 lần trước đó; cả xưởng chỉ cần khoảng 10 lao động, ít hơn rất nhiều so với khi chưa có máy móc hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, 48 tuổi, người được giao phụ trách hoạt động của máy đùng bắp và gạo cho biết: Có máy móc hỗ trợ thì công việc của mình cũng nhẹ nhàng hơn nhưng phải nhanh tay, tập trung hơn. Để mỗi mẻ bắp, gạo nổ được thơm giòn, người vận hành phải canh đúng chuẩn thời gian.
Ngoài sản phẩm cốm gạo, bắp truyền thống, cơ sở của ông Hiểu còn sản xuất các loại bánh truyền thống khác như: Bánh tai heo, bánh ống nổ… Mặt hàng cốm, các loại bánh của cơ sở đang được đưa đi tiêu thụ 19 tỉnh trong nước và sang Lào, Campuchia. Nhờ vào máy móc, lượng hàng sản xuất ra luôn đảm bảo nhu cầu của bạn hàng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Hiểu lãi trên 500 triệu đồng.
Sản xuất, kinh doanh hiệu quả, gia đình ông Hiểu tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động, đóng góp các quỹ do các cấp phát động.
AN KHANG