Vẫn sáng màu áo blouse - Kỳ I
Họ - dù có hẳn quân hàm của ngành Công an, hay đơn giản là học hết giáo trình dành cho những y sĩ, điều dưỡng - đến với nghề bằng tâm niệm đang khoác chiếc áo blouse trắng. Chúng tôi đến với những khoảng thời gian của ngày và đêm tại các đơn vị xã hội đặc biệt: Trại giam Kim Sơn, Trung tâm Nuôi dưỡng Người tâm thần Hoài Nhơn, Trung tâm Giáo dục lao động - Xã hội tỉnh, để được gặp gỡ, được lắng nghe và cảm nhận những câu chuyện cảm động về tình người, tình đời.
Cũng một chữ “duyên”
Chúng tôi đặt một câu hỏi chung để hiểu vì sao họ gắn bó với công việc y tế ở các đơn vị xã hội đặc biệt này, tất thảy đều cười xòa. Từ chuyện cần một chỗ làm sau khi ra trường để ổn định cuộc sống, chẳng hiểu từ lúc nào mà họ thấy thương những phận người đặc biệt ngay tại nơi mình công tác; để rồi, như cơ duyên, họ và công việc níu lấy nhau bất kể không ít lần đối mặt với những mệt mỏi, chán chường do chính “bệnh nhân” của mình gây ra.
Học xong lớp nữ hộ sinh, năm 1999, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh nộp đơn xin vào công tác tại Trung tâm Giáo dục lao động - Xã hội tỉnh (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) vì cần việc chứ chẳng hề có bất kỳ hình dung nào về chặng đường gian nan sắp tới. Cái sợ trong những ngày đầu làm việc dần dà tan biến bởi chị nhận ra đối tượng cũng không ác cảm với mình. Hồi ấy, cả trung tâm chỉ có 2 nhân viên y tế. Đến hôm nay, con số ấy cũng không nhỉnh lên được xíu nào. Đã có người nản lòng mà ra đi. Chị cũng từng nản nhưng rồi hết lần này đến lần khác, nhìn những “bệnh nhân” của mình chị đều có lý do để vượt qua và trở thành cán bộ y tế gắn bó lâu năm nhất ở đây.
Ở nơi tiếp nhận, điều trị, giáo dục người nghiện ma túy và mại dâm, kiêm nhiệm tiếp nhận bước đầu đối tượng lang thang cơ nhỡ, công việc của một nữ hộ sinh như chị khá nhọc nhằn. Nhất là chuyện trực cắt cơn cho người nghiện. Trắng đêm với đối tượng trong suốt hai tuần liền đã vất vả, nhưng nỗi căng thẳng tinh thần mới thật sự ghê gớm. Chị Linh tỉ tê: “Không kiểm soát được bản thân trong cơn vật vã, đối tượng đập phá, chửi bới ghê lắm. Lắm lúc ấm ức công mình chăm sóc từng li từng tí lại phải nhận về những lời chưởi bới chói tai, nên muốn bỏ việc. Nhưng hết cơn, người ta lại trở nên hiền lành, bẽn lẽn lên nói câu xin lỗi. Vậy là lại thấy nhẹ lòng, lại động viên mình ráng thêm chút nữa”.
Trong Trại giam Kim Sơn (thuộc Tổng Cục VIII, Bộ Công an, đặt tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) heo hút giữa những dãy núi cao, cũng có những người chọn gắn bó với công việc khám bệnh và chữa lành những vết thương lòng của phạm nhân trên con đường hướng thiện.
Nhà ở cách trại giam chừng 10 cây số, 6 năm sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp y tế Nghĩa Bình, anh Trần Đình Ba quyết định xin phục vụ bệnh xá trại giam. Những năm 1993 -1996, khi đồng nghiệp còn lại đi học, một mình anh xoay vòng với nhiệm vụ điều trị, chăm sóc phạm nhân. Sang năm 1998, tin có 8 bệnh nhân bị nhiễm HIV được chuyển về trại khiến anh giật mình, hoang mang bởi thời ấy hình dung về HIV ghê gớm lắm. Vậy mà, chẳng mấy chốc đã 25 năm anh gắn cuộc đời mình với những mảnh đời sau song sắt. Khó khăn, vất vả đã rèn anh, đưa Đại úy Trần Đình Ba trở thành cán bộ y tế chủ chốt của đơn vị hôm nay.
Tốt nghiệp xong hệ Trung cấp y, chị Nguyễn Thị Bích Thể, quê ở xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, nhận công tác ở Trại vào năm 1998. Thuộc thế hệ cán bộ y tế đầu tiên của Trại giam Kim Sơn, lại là nữ, những ngày tháng làm “bác sĩ” cho phạm nhân của Đại úy Thể khá ly kỳ. Không ít lần, chị trốn vào nhà vệ sinh để khóc vì ấm ức trước những trêu chọc quá đáng của phạm nhân nam trong lúc điều trị, vệ sinh vết thương. Mãi đến khi học được cách giữ thái độ bình thản, nghiêm nghị trước mọi tình huống, chị mới nhẹ lòng. Rồi đến khi có con nhỏ, hôm nào trực ca đêm, chị đều phải đưa con đi cùng để tiện chăm sóc.
Kể về những gì đã trải qua, chị dừng lại ở hai chữ “bình thường”. “Họ, dù phạm tội gì đi chăng nữa thì khi đến với chúng tôi vẫn là những bệnh nhân, cần trợ giúp về sức khỏe. Chúng tôi chỉ nghĩ như vậy và cố gắng làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc hai màu áo”, Đại úy Thể lý giải.
Đâu chỉ là mũi tiêm, viên thuốc
Ngót mười năm trước, tôi cũng từng đến với những nhân viên y tế của Trung tâm Giáo dục lao động - Xã hội tỉnh. Ngày ấy, Trung tâm chỉ có hai đối tượng là mại dâm và ma túy mà đã lên đến vài chục người. Lẫn trong tiếng la hét “vã” cơn là tiếng nói cười, trêu đùa của học viên ở ngoài vườn rau, trong lớp học may. Ngày ấy, ngoài chị Linh, Trung tâm còn có một nhân viên y tế nữa là anh Thái Văn Trực.
Giờ, chúng tôi trở lại. Vẫn căn phòng y tế đó, có chăng đã được sửa sang, lợp trần mới và có phòng điều trị cắt cơn ngăn cách bởi một khung sắt chắc chắn hơn. Đêm, Trung tâm vắng lặng, thảng hoặc mới có tiếng la hét. Chị Linh bảo, chỉ còn 10 đối tượng, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc cũng 2 người, nhưng công việc thì chưa khi nào “giảm nhiệt”.
Nghĩa là, nhân viên y tế tại Trung tâm cũng đảm đương một lúc nhiều vai trò: người điều trị - hộ lý - bảo mẫu mỗi khi đối tượng ốm đau, bệnh tật. Từng là một điều dưỡng của Trung tâm, anh Thái Văn Trực cho biết, nhân viên y tế ngoài nhiệm vụ chuyên môn là khám bước đầu, điều trị cắt cơn, lao động trị liệu, tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác. Nhân viên y tế thường chỉ có hai người nên lịch trực dày đặc cũng khiến gia đình phiền lòng, nhất là với nhân viên nữ.
“Vất vả với những mất ăn mất ngủ cùng đối tượng là vậy, nên giây phút vui sướng, hạnh phúc nhất của nhân viên y tế lại là giấc ngủ yên bình không dùng đến thuốc hỗ trợ của đối tượng sau ngày cắt cơn. Giản đơn vậy thôi, nhưng ý nghĩa vô cùng với người làm công tác điều trị cai nghiện”, anh Trực giãi bày.
Còn tại Trại giam Kim Sơn, sáng 18.9, chúng tôi theo chân đội trực y tế Trần Đình Ba, Nguyễn Văn Lành, Nguyễn Thanh Hưng vào trạm xá phân trại số 1. Trong số rất nhiều bệnh nhân được điều trị hôm ấy, phạm nhân Nguyễn Hồng Duy mắc lao kháng thuốc là trường hợp được các nhân viên y tế chăm sóc đặc biệt. Duy quê ở Quy Nhơn, bị gia đình ruồng bỏ nên dù mắc lao kháng thuốc vẫn phải ở lại điều trị tại trại giam. Ngoài viên thuốc, mũi tiêm, cán bộ y tế còn phải lo cho Duy cả miếng ăn, vệ sinh cá nhân hằng ngày.
Cứ thế, lần lượt từng phạm nhân mắc bệnh, tai nạn trầy sướt khi lao động, đến hắt hơi, sổ mũi đều được chăm sóc. Cuối giờ chiều, công việc tiếp tục lặp lại như thế.
Ở Trung tâm Nuôi dưỡng Người tâm thần Hoài Nhơn, câu chuyện chăm sóc cho những số phận lúc mê lúc tỉnh, khi cười khi khóc cũng lắm những bi hài. Ngoài bệnh tâm thần, đối tượng còn mắc thêm các bệnh đa khoa khác: lao (đã điều trị được 12/15 trường hợp); hen phế quản, cao huyết áp, tiểu đường; bệnh ngoài da...
Đối tượng luôn trong trạng thái sa sút trí tuệ, sức khỏe, mất ý thức, chuyện khám bệnh vì thế mà trở nên phức tạp. “Không như người bình thường, bệnh nhân của mình không thể nói được triệu chứng. Trăm hay không bằng quen tay, riết rồi nhân viên y tế ở đây “lên tay” trong phỏng đoán bệnh. Gần 500 người, chuyện phát thuốc theo phác đồ cũng khiến nhân viên y tế mệt phờ”, y sĩ Thái Văn Hành nửa đùa nửa thật về công việc hiện tại của mình.
Đỏ mắt chờ… bác sĩ
So với thời điểm mới thành lập, vài năm trở lại đây, công tác y tế tại Trại giam Kim Sơn có nhiều khởi sắc. Năm 2012, Trại thành lập được tổ phòng chống lao với 3 thành viên được trang bị thiết bị, kỹ thuật tương đương tuyến huyện với máy hút, kính hiển vi và máy chụp X-quang (hợp đồng). Dẫn chúng tôi đi một vòng, y sĩ Nguyễn Văn Lành tự hào: “Nhờ vậy mà số lượng mắc bệnh lao tại Trại giam Kim Sơn đến nay mới chỉ 12 trường hợp. Việc phát hiện và điều trị kịp thời đã hạn chế hẳn sự lây lan của bệnh lao so với các trại giam khác trên cả nước”.
Đầu năm 2014, Đội y tế và vệ sinh môi trường của Trại giam Kim Sơn chính thức được thành lập đem đến nhiều niềm vui cho những người làm công tác y tế tại đây. Trung tá Huỳnh Văn Thanh, Đội trưởng Đội y tế và vệ sinh môi trường, nhẩm tính: “Hơn 10 lần thay đổi địa điểm làm việc, đến năm nay đã có hẳn cơ ngơi khang trang, tinh thần làm việc của anh em phấn khởi hẳn”.
Vui với cơ sở vật chất mới, đội ngũ cán bộ y tế ở Trại giam vẫn đầy trăn trở với việc nâng cao chất lượng nhân lực. Lực lượng y tế hiện tại của Trại giam khoảng chục người. So với giai đoạn trước, nhân lực được đánh giá là tương đối khả quan. Song, bao nhiêu năm nay, Trại giam Kim Sơn vẫn “khát” bác sĩ. Nhưng tìm được bác sĩ về với vùng núi heo hút và gắn bó lâu dài với những bệnh nhân - tội phạm này thật không dễ chút nào.
Cũng tương tự vậy, tại Trung tâm Nuôi dưỡng Người tâm thần Hoài Nhơn, 4 y sĩ đa khoa, 3 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên phục hồi chức năng phân nhau phụ trách điều trị, chăm sóc cho 499 người tâm thần. Đáng nói, cả 4 y sĩ đều chỉ được bồi dưỡng có trình độ chuyên khoa qua tập huấn chứ không được đi đào tạo chuyên sâu. Mong ngóng một bác sĩ về với Trung tâm lại trở thành nỗi niềm chung của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ y tế tại Trung tâm. Ông Trần Hoàng Ngưu, Phó Giám đốc Trung tâm thở dài: “Tìm được bác sĩ chịu về với Trung tâm và gắn bó với những con người ngây ngây ngô ngô, điên điên dại dại này khó lắm!”.
Công việc vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng thu nhập của nhân viên y tế ở các đơn vị đặc thù chẳng tương xứng. Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, chế độ dành cho nhân viên y tế cách đây 6-7 năm thì phù hợp, chứ giờ đã lạc hậu rồi. Bây giờ, trực đêm chỉ còn 20.000 đồng, chưa đủ tô phở ăn khuya. Tính tất tần tật từ lương, phụ cấp, độc hại, tiền đặc thù, trực đêm, mỗi tháng chỉ hơn 5 triệu đồng!
(Còn nữa)
THU HIỀN - NGUYỄN MUỘI