Thêm một “cú huých” để phòng chống lãng phí
Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa mới được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành dành một mục riêng quy định về bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định tại Điều 61, 62 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để xảy ra lãng phí, gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Về kết quả xử lý hành vi lãng phí, phải công khai đầy đủ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức có hành vi lãng phí cũng như biện pháp đã xử lý đối với người có hành vi lãng phí.
Có thể xem đây là một “cú huých” trong công tác phòng chống lãng phí. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thế nhưng, căn bệnh được xác định là nguy hại hơn cả tham nhũng vẫn diễn ra làm thất thoát, hao tổn nguồn lực phát triển. Đáng lưu ý là trong sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công vẫn còn tình trạng vi phạm tiêu chuẩn, định mức; bố trí vốn đầu tư các công trình, dự án của nhà nước dàn trải, thực hiện chậm tiến độ, gây lãng phí. Hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số đơn vị chưa cao. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập.
Lãng phí được xem là vấn nạn gây nhức nhối xã hội bởi nó không chỉ gây thiệt hại tiền bạc, tài nguyên mà còn làm suy giảm niềm tin của xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực thi đã 8 năm nhưng có vẻ kết quả không được như kỳ vọng của người dân.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lãng phí, một trong những giải pháp quan trọng là phải tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền bạc, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên; trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; hoạt động tín dụng, ngân hàng; công tác quản lý, thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn của Nhà nước.
Đặc biệt, phải công bố công khai đối với những cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có hình thức kỷ luật thích đáng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị được coi là vấn đề cốt lõi trong việc ngăn chặn lãng phí cũng như trách nhiệm khi xảy ra lãng phí. Nếu không, những hồi chuông nhức nhối về thực trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng ngân sách cứ tiếp tục gióng lên, để rồi lại rơi vào hư không.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) gồm 5 chương 80 điều, có hiệu lực từ ngày 1.7.2014. Nay lại có Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật. Như vậy, hành lang pháp lý để phòng chống lãng phí là không thiếu. Điều còn lại là quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội.
Ngọc Minh