Nhiều địa phương sẵn sàng phòng chống lụt bão
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn, mùa mưa bão năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN). Và các địa phương cũng đã tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với lụt bão.
Tây Sơn chủ động nhiều phương án
Đến nay, UBND huyện Tây Sơn đã kiện toàn Ban chỉ huy (BCH) PCLB-TKCN năm 2014, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện vật tư theo phương châm 4 tại chỗ; đồng thời chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.
Ông Tạ Xuân Chánh - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban PCLB-TKCN huyện Tây Sơn - cho biết: Huyện đã chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hợp lý, có phương án sản xuất phù hợp để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, như chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng tránh lũ chính vụ để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo sản xuất an toàn. Tăng cường kiểm tra và tập trung nguồn lực ưu tiên để củng cố, nâng cao các công trình PCLB, đặc biệt ưu tiên công trình an toàn cộng đồng, hệ thống đê điều, thủy lợi, giao thông. Huyện đang chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc phương án, kế hoạch đã được UBND huyện phê duyệt về đảm bảo an toàn cho các khu dân cư vùng lũ quét, vùng thấp trũng thường bị ngập sâu, vùng sạt lở nguy hiểm.
Hiện ở Tây Sơn có khoảng 2.465 hộ/9.092 nhân khẩu nằm trong vùng trũng, ven sông, suối, ngập lụt sâu. Trong đó xã Tây Vinh có 150 hộ/450 nhân khẩu, Bình Hòa 56 hộ/149 nhân khẩu, Bình Tường 575 hộ/2.192 nhân khẩu, Tây Phú 63 hộ/252 nhân khẩu, Tây Xuân 94 hộ/367 nhân khẩu, Tây Giang 400 hộ/1.199 nhân khẩu, Tây Bình 817 hộ/3.493 nhân khẩu và xã Tây An 4 hộ/10 nhân khẩu. Phương án phòng tránh chủ yếu là di dời tại chỗ, chuyển đến tạm trú ở trường học, trụ sở UBND xã, trụ sở HTXNN, các ngôi nhà kiên cố ở địa phương.
UBND huyện cũng đã triển khai các phương án đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, giao thông trong mùa mưa lũ, chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý thành lập BCH PCLB các hồ chứa, thành lập đội thanh niên xung kích cứu hộ từng công trình, chuẩn bị vật tư, phương tiện cứu hộ tại chỗ để ứng cứu kịp thời, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa bị xuống cấp. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cầu, cống, giao thông tại các trọng điểm, những tuyến đường thường xuyên bị ngập lụt sâu; đồng thời củng cố, kiện toàn các lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích, sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân khi có bão lũ xảy ra.
An Nhơn khẩn trương triển khai nhiệm vụ
Hiện 15 xã, phường trên địa bàn đã xây dựng phương án PCLB-TKCN trình UBND thị xã phê duyệt, đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ tại các địa bàn dân cư và các hộ dân sống ở những khu vực ven sông, suối, vùng trũng, vùng ngập lụt sâu bị lũ cô lập để sẵn sàng các phương án di dời dân đến nơi an toàn. 100% xã, phường đều thành lập đội thanh niên xung kích PCLB, biên chế từ lực lượng dân quân, công an xã, Đoàn Thanh niên, nhằm khi có mưa bão tổ chức trực 24/24 giờ để bảo vệ, ứng cứu, giúp dân sơ tán.
Thị xã còn chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền PCLB; chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống, phương tiện vận tải, cơ động kịp thời cứu trợ nhân dân vùng lũ bị cô lập dài ngày, khắc phục hậu quả thiệt hại và xử lý vệ sinh môi trường sau lũ, không để phát sinh dịch bệnh; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão.
Tại các đường tràn thoát lũ, các địa phương thiết lập ngay các biển cảnh báo nguy hiểm, xây dựng cọc tiêu, khi xảy ra lũ cắt cử lực lượng cứu hộ trực 24/24 giờ, hướng dẫn người và phương tiện qua lại an toàn. Các địa phương có bến đò tiến hành kiểm tra phương tiện đưa đò, buộc chủ đò làm cam kết trang bị áo phao cho khách đi đò.
Theo ông Lê Minh Toán - Phó Chủ tịch UBND thị xã, Phó Ban thường trực PCLB thị xã An Nhơn: Rút kinh nghiệm mùa mưa bão năm ngoái, thị xã chỉ đạo xây dựng lực lượng PCLB ngay tại các thôn, thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng hộ đê, ứng cứu, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ vỡ đê đến nơi an toàn. Đối với công trình thủy lợi trọng điểm hồ chứa nước Núi Một, xã Nhơn Tân, các ban ngành có liên quan xây dựng phương án cụ thể, huy động lực lượng quân đội, dân quân bảo vệ, ứng cứu và di dời kịp thời các hộ dân sống ở vùng hạ lưu khi có mưa lũ kéo dài.
Tuy Phước sẵn sàng ứng phó
UBND huyện Tuy Phước đã củng cố BCH PCLB huyện. Chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án và kế hoạch PCLB-TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư kiên cố hóa các tuyến đê sông, đê biển xung yếu thuộc 2 hệ thống sông Côn và sông Hà Thanh, với tổng kinh phí hơn 50 tỉ đồng; đồng thời khảo sát các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão lũ, đề ra phương án cụ thể đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Dự kiến khi có mưa lũ lớn xảy ra sẽ tiến hành di dời 1.078 hộ dân với 4.163 nhân khẩu ở vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở đê, ngập sâu đến nơi an toàn. Phân công chính quyền các địa phương phối hợp với các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn huyện sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra với các công trình hồ chứa nước trọng yếu. Các địa phương đã củng cố lực lượng dân quân, thanh niên xung kích, tổ chức trực 24/24 giờ khi có mưa bão, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Tuy nhiên, nỗi lo nhất hiện nay là trên địa bàn huyện đang tiến hành thi công các hạng mục nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 1 và QL 19, có thể làm thay đổi dòng chảy khi nước lũ từ 2 hệ thống sông Hà Thanh và sông Côn tràn về, gây diễn biến khó lường nếu không chủ động phòng tránh. Trước tình hình này, UBND huyện đã phối hợp với các đơn vị thi công QL 1, QL 19, và chỉ đạo chính quyền các xã Phước Lộc, Phước Nghĩa, Phước Thuận, thị trấn Tuy Phước triển khai các phương án cụ thể để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân các địa phương này khi có bão lũ lớn xảy ra.
HOÀNG CHI - XUÂN THỨC - THANH NGHIÊM