Vượt khó nhờ nuôi gà đen H’Mông
Từ niềm đam mê khởi nghiệp, muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Đinh Văn Điu (32 tuổi, dân tộc Bana, ở thôn T1, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân) đã mở ra hướng phát triển mới từ mô hình chăn nuôi gà đen H’Mông, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước thoát nghèo hiệu quả.
Anh Điu chia sẻ, trước đây, anh từng đi làm công nhân tại nhiều tỉnh, thành phố; tuy nhiên, do sức khỏe yếu, công việc lại vất vả, thu nhập không đủ sống, nên anh trở về quê tìm hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp hơn. Đầu năm 2023, sau khi xem một số video về mô hình nuôi gà đen H’Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc, anh nhận thấy gà đen dễ nuôi, ít bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các giống gà thông thường, anh quyết định thực hiện mô hình.
Anh Đinh Văn Điu (bên trái) chăm sóc đàn gà đen tại chuồng. Ảnh: C.H
Trên mảnh vườn gần 400 m2 của gia đình, anh đầu tư 50 triệu đồng từ số tiền tiết kiệm để xây dựng chuồng trại và nhập 200 con gà đen giống từ tỉnh Bắc Kạn về nuôi. Đây là giống gà mới, ở địa phương lại chưa có hộ dân nào nuôi, anh phải tự tìm hiểu các tài liệu, kiến thức liên quan đến gà đen qua sách, báo, internet và áp dụng vào thực tế nuôi. Lúc đầu chỉ nuôi 200 - 300 con, sau đó nâng dần lên 700 con và cho kết quả rất khả quan.
Anh Điu cho hay, gà đen H’Mông có khả năng thích ứng với môi trường và chống chọi với dịch bệnh rất tốt, nhưng để gà sinh trưởng tốt nhất cũng cần phải tiêm một số loại vắc xin phòng bệnh và cho gà uống nước điện giải vào mùa nắng nóng. Về thức ăn, anh chủ yếu cho gà ăn lúa, bắp, rau xanh và các phụ phẩm nông nghiệp. Từ khi mới bắt đầu nuôi đến khi gà cho xuất chuồng gần 6 tháng, mỗi con có trọng lượng ước đạt từ 1,5 - 2 kg trở lên.
Cũng theo anh Điu, nhờ chăn nuôi gà gối lứa, mỗi năm anh xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh 2 lứa, mỗi lứa bán hơn 400 con, với giá từ 150 - 160 nghìn đồng/kg, có lãi hơn 130 triệu đồng/lứa. “Thời gian tới, tôi sẽ làm hồ sơ vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Thanh niên Bình Định khởi nghiệp, lập nghiệp, để xây dựng, mở rộng khu chuồng trại; mua con giống mới; nhập các loại máy móc khác…, phát triển mô hình nuôi gà đen ngày một hiệu quả hơn, từng bước xây dựng thành dòng sản phẩm đặc trưng riêng cho địa phương”, anh Điu nói.
Anh Đinh Văn Nghiêm, Bí thư Xã đoàn Bok Tới, đánh giá: Anh Đinh Văn Điu là một trong những gương điển hình thanh niên vượt khó trong phát triển kinh tế tại địa phương. Mô hình chăn nuôi gà đen của anh có tính đột phá, Xã đoàn đang khuyến khích các thanh niên trong xã đến học hỏi, tham quan mô hình này để mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thanh niên.
CHƯƠNG HIẾU