Gian nan hàng Việt vào siêu thị
Bài 1: “Siêu” quyền lực ở siêu thị
Những năm gần đây, khi Việt Nam thực thi các điều khoản cam kết với WTO cùng các hiệp định thương mại song phương và đa phương, tiến hành mở cửa nhiều hơn cho các DN nước ngoài tham gia vào lĩnh vực phân phối thì quyền lực mềm của các nhà phân phối ngày càng lớn. Thực trạng này không chỉ làm cho nhà cung cấp khó khăn mà ngay cả người tiêu dùng cũng bị thiệt thòi vì không có nhiều sự lựa chọn khi mua hàng trong siêu thị.
Phụ thuộc hoàn toàn
Theo số liệu thống kê không chính thức, doanh thu bán lẻ qua các kênh phân phối hiện đại chiếm khoảng 30% tổng doanh thu hàng hóa tại TPHCM. Con số này vẫn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo vì nhiều nguyên nhân, trong đó có định hướng phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa tại TPHCM và các TP lớn khác trong cả nước đến năm 2020, sẽ ưu tiên phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại phù hợp với sự phát triển tất yếu của nền kinh tế. Có lẽ, đây chính là lý do nhiều DN buộc phải đa dạng hóa mạng lưới phân phối, trong đó chú trọng đặc biệt đến các siêu thị.
Vậy nhưng, đưa hàng vào siêu thị thời gian gần đây trở thành vấn đề nóng bỏng. Theo ông Phan Văn Thuận, Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy sản 584 Nha Trang, sản phẩm nước mắm của công ty có bề dày gần 40 năm, nhưng khi đưa hàng vào siêu thị gặp vô số khó khăn, trong đó có lý do chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến, do DN không có... tiền làm truyền thông. Theo ông Thuận, nếu công ty không tham gia chương trình bình ổn thị trường, chắc chắn sản phẩm sẽ khó có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng.
Với nhiều DN, việc đưa hàng vào siêu thị càng trở nên xa vời, khi hồ sơ phải xếp hàng với rất nhiều thủ tục. Chủ một DN sản xuất bánh mứt tại TPHCM cho biết, sau nhiều tháng nộp hồ sơ vào các siêu thị mới nhận được phản hồi… chờ thẩm định chất lượng và bán thử nghiệm sản phẩm, sau đó mới đưa được những lô hàng đầu tiên vào siêu thị. Nhưng DN cũng chưa vội mừng, vì còn nhiều điều khoản ràng buộc trong quá trình thực hiện và thời gian thanh toán. Do quá mệt mỏi, DN đành đi theo con đường làm hàng nhãn riêng cho các siêu thị, chấp nhận hy sinh thương hiệu đã gầy dựng trước đó. Theo lý giải của chủ DN, doanh thu từ việc làm hàng nhãn riêng chiếm khoảng 15% trong tổng doanh thu, đồng lời cũng rất thấp nhưng DN vẫn phải theo để đa dạng hóa mạng lưới phân phối.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đưa một sản phẩm vào siêu thị, ngoài những quy định bắt buộc về tiêu chuẩn hàng hóa, xuất xứ, một số nhà phân phối còn yêu cầu DN chứng minh khả năng cung ứng và năng lực phát triển sản phẩm, cùng tham gia các chiến dịch khuyến mãi, quảng bá thương hiệu để tạo sức hút... Ngoài ra, các DN còn phải duy trì tiềm lực tài chính để thuê những vị trí bắt mắt nhằm đạt lượng hàng bán ra nhiều nhất. Theo tính toán của tổng giám đốc một DN sản xuất mì ăn liền tại TPHCM, doanh thu bán hàng vào các hệ thống siêu thị hiện chỉ chiếm khoảng 5% - 7% trong tổng doanh thu của công ty. Thế nhưng, việc chi trả chiết khấu, cộng với chi phí quầy kệ, chiếm gần một nửa số doanh thu này. Và điều khiến vị tổng giám đốc này bức xúc, đó là thái độ coi thường và trịch thượng của nhà phân phối, đặc biệt tại các siêu thị có vốn FDI.
Chiết khấu cao
Theo nhận định của nhiều DN, thị trường càng phát triển thì quyền lực của các nhà phân phối càng gia tăng, tùy theo uy tín và lượng khách hàng của từng siêu thị. Nói như ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan: “Các siêu thị đang nắm một quyền lực “siêu nhiên”, ở đó DN yếu thì buộc phải chia sẻ bằng hàng nhãn riêng, phải sản xuất gần như không có lãi; còn những DN cỡ trung và vừa phải chấp nhận sự định đoạt về giá bán cũng như tuân thủ theo các quy định về chiết khấu và chi phí cho siêu thị.
Chưa có sự công bằng và thỏa thuận giá cả trong mua và bán theo cơ chế thị trường”. Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Minh Long 1 mới đây đã tuyên bố rút toàn bộ hàng ra khỏi hệ thống siêu thị bán sỉ của một DN FDI vì họ đưa ra yêu cầu áp giá bán, dù doanh thu của Minh Long 1 tại hệ thống siêu thị này hơn 30 tỷ đồng/năm. Theo ông Lý Minh Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1, chất lượng các sản phẩm của công ty sản xuất là đồng nhất nên giá bán cũng phải được chuẩn hóa. Nếu siêu thị tự ý áp giá bán quá cao sẽ làm thiệt hại người tiêu dùng, còn bán thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của DN.
Ông Trần Bá Dũng, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty May túi xách Hương Mi, cho biết, hàng năm các hệ thống phân phối đều có tiêu chí tăng phần trăm chiết khấu thương mại lên từ 1% - 3%. Riêng năm 2014, các hệ thống phân phối đòi tăng phí hỗ trợ vận chuyển từ 1% - 6%. Ngoài 2 khoản tăng hàng năm, các DN còn phải chịu nhiều chi phí khác như phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số, thưởng bán hàng, thưởng quý, thưởng năm, phí mở siêu thị mới, phí in ấn các ấn phẩm khuyến mãi, chi phí thất thoát… Tổng các loại chiết khấu và chi phí năm 2014 cho một mã sản phẩm dao động 32% - 40%, tùy hệ thống siêu thị. Đó là chưa kể, khi các kênh phân phối thực hiện các chương trình khuyến mãi thì nhà cung cấp phải hỗ trợ khuyến mãi giảm giá từ 15% - 30%, thời gian từ 10 - 30 ngày và từ 1 - 3 lần/năm.
Cũng theo ông Dũng, một điều khác cũng khiến DN mệt mỏi, đó là thời gian thanh toán quá chậm, thường từ 40-60 ngày, có siêu thị lên đến 90 ngày! Đây chính là lý do năm 2013 và 2014, Hương Mi phải rút toàn bộ sản phẩm khỏi hệ thống siêu thị Big C vì các chi phí chiết khấu tăng quá cao; với một số hệ thống siêu thị khác cũng chỉ duy trì kinh doanh cầm chừng. “Để có nguồn nguyên liệu ổn định, nhà sản xuất phải chạy vạy đủ đường để có vốn mua hàng. Nhưng khi sản xuất và đưa hàng ra bán thì chiết khấu cao, cộng thời gian chiếm dụng vốn lâu đã đẩy vào tình trạng khó chồng khó” - ông Dũng giãi bày.
Theo số liệu chúng tôi khảo sát đối với nhóm các mặt hàng bình ổn thị trường, mặc dù giá bán thấp hơn thị trường từ 10% - 15% và theo yêu cầu của lãnh đạo TP, các nhà phân phối phải có sự chia sẻ về chiết khấu cùng các DN, nhưng thực tế con số này vẫn còn rất cao. Cụ thể, nhóm hàng lương thực (gạo, mì bún khô…): tỷ lệ chiết khấu từ 3% - 10%, thời gian thanh toán từ 30 - 35 ngày; nhóm hàng thực phẩm tươi sống tỷ lệ chiết khấu từ 9% - 11%, thời gian thanh toán từ 20 - 27 ngày; nhóm hàng thực phẩm chế biến chiết khấu từ 2% - 12%, thời gian thanh toán từ 20 - 35 ngày…
Ngoài ra, các DN bình ổn thị trường còn chịu thêm các khoản chi phí khác, mà nếu tính đúng tính đủ sẽ ít có mặt hàng nào dừng ở mức một con số. Giám đốc một DN cho biết: “Chỉ cần nhìn vào quầy kệ siêu thị đủ biết DN nào mạnh hay yếu, vì chỉ những nhà cung cấp có tiềm lực về tài chính mới có thể duy trì hàng ở các vị trí mặt tiền của quầy kệ, bằng không hàng sẽ bị xếp vào bên trong; khi doanh số không đạt mức cam kết sẽ phải rút sản phẩm ra khỏi siêu thị. Tình hình này kéo dài, DN trong nước rất khó chèo chống để tồn tại”.
Theo Thúy Hải (SGGP)