Tân thủ tướng Nhật Bản lo ngại ‘Ukraine hôm nay, Đông Á ngày mai’
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã có bài phát biểu về chính sách đầu tiên vào ngày 4.10. Ông dành nhiều thời lượng nói về an ninh khu vực và tỉ lệ sinh thấp trong nước.
Trong bài phát biểu chính sách đầu tiên ngày 4.10, tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cảnh báo rằng "Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai", và gọi tỉ lệ sinh thấp trong nước là một "cuộc khủng hoảng thầm lặng".
"Rất nhiều người lo sợ rằng Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai. Tại sao biện pháp răn đe lại không phát huy tác dụng ở Ukraine? - ông Ishiba phát biểu trước Quốc hội - Kết hợp với tình hình Trung Đông, cộng đồng quốc tế ngày càng trở nên chia rẽ và đối đầu".
Ông Ishiba không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, nhưng quan hệ giữa Nhật Bản và Bắc Kinh đã xấu đi trong những năm gần đây khi Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự xung quanh các nơi tranh chấp trong khu vực.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu tại Quốc hội, ngày 4.10 - Ảnh: REUTERS
Lo ngại về Đài Loan, Trung Quốc
Mối quan tâm đặc biệt hiện nay là Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố hòn đảo này là một phần lãnh thổ và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan về dưới sự kiểm soát.
Nhật Bản đã khiến Trung Quốc phẫn nộ với kế hoạch tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ cùng các đồng minh, bao gồm Philippines và Hàn Quốc.
Vào tháng 8, một máy bay quân sự Trung Quốc đã tiến vào không phận Nhật Bản, đánh dấu lần xâm nhập đầu tiên. Vài tuần sau đó, một tàu chiến Nhật Bản lần đầu đi qua eo biển Đài Loan.
Ông Ishiba ủng hộ việc thành lập một liên minh quân sự khu vực theo mô hình NATO. Hồi đầu tuần, ông tuyên bố rằng môi trường an ninh tại châu Á hiện nay "căng thẳng nhất kể từ sau Thế chiến 2".
Khủng hoảng dân số
Nhật Bản, giống như nhiều quốc gia phát triển khác, đang đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học khi dân số già đi và tỉ lệ sinh thấp kéo dài.
Theo Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản có dân số già nhất thế giới, chỉ sau Monaco. Năm ngoái, tỉ lệ sinh của nước này - số con trung bình mà một phụ nữ có thể sinh trong suốt cuộc đời - chỉ đạt 1,2, tức thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số.
Thủ tướng Ishiba gọi tình trạng tỉ lệ sinh thấp là "cuộc khủng hoảng thầm lặng" và nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ gia đình như giờ làm việc linh hoạt.
Tăng lương tối thiểu
Tiếp quản chính quyền, ông Ishiba đối mặt với tình trạng lạm phát làm giảm thu nhập của người dân. Do đó ông muốn tăng thu nhập thông qua một gói kích thích tiền tệ mới, đồng thời hỗ trợ cho các chính quyền địa phương và các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Trong thập kỷ này, ông Ishiba muốn tăng mức lương tối thiểu trung bình toàn quốc lên 1.500 yen (10,20 USD) mỗi giờ, tăng gần 43% so với mức hiện tại là 1.050 yen.
Tuần trước, đồng yen đã tăng vọt sau khi Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền bầu ông Ishiba làm lãnh đạo mới, vì ông ủng hộ việc Ngân hàng Nhật Bản chấm dứt các chính sách nới lỏng tiền tệ quá mức.
Tuy nhiên, ngày 2.10, ông Ishiba nói rằng ông không cho rằng môi trường hiện nay thích hợp cho việc tăng lãi suất thêm nữa, khiến đồng yen lại suy yếu.
Kế vị hoàng gia
Cũng trong bài phát biểu, ông Ishiba đề cập đến vấn đề thiếu người thừa kế nam đủ điều kiện lên ngôi Nhật hoàng.
Theo quy định, việc kế vị chỉ dành cho nam giới. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn một người thừa kế trẻ duy nhất là Hoàng tử Hisahito, 18 tuổi, cháu trai của Nhật hoàng Naruhito.
Con gái của Nhật hoàng, Công chúa Aiko, 22 tuổi, không đủ điều kiện lên ngôi theo Luật Hoàng gia được ban hành từ năm 1947.
Các thành viên nữ của hoàng tộc phải rời khỏi gia đình hoàng gia khi kết hôn với người thường, như trường hợp của cựu công chúa Mako Komuro, cháu gái của Nhật hoàng Naruhito, khi bà kết hôn với bạn trai thời đại học vào năm 2021.
Các nhà lập pháp Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về việc có thể nới lỏng quy định kế vị khắt khe này. Cuộc thăm dò gần đây của Kyodo News cho thấy 90% người dân Nhật Bản ủng hộ việc cho phép nữ giới kế vị.
(Theo MINH KHÔI/TTO)