Tập thói quen phân loại rác
Từ ngày 1.10, TP Quy Nhơn thí điểm phân loại rác tại nguồn với các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, cơ quan đơn vị ở 2 phường Nguyễn Văn Cừ, Ngô Mây. Để thực hiện thành công, phải bắt nguồn từ hành động, thay đổi thói quen của từng người dân.
Cuối tháng 9.2024, chương trình phân loại rác tại nguồn ở TP Quy Nhơn được khởi động với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), nằm trong khuôn khổ dự án “Nhân rộng các mô hình quản lý chất thải tổng hợp thông qua trao quyền cho các lao động thuộc lĩnh vực phi chính thức và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” do Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và UNDP tại Việt Nam tài trợ.
Nói tới nói lui cho người dân “thuộc bài”
Sẩm tối 3.10, tổ tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn của khu phố 8, phường Ngô Mây do ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố, đến các hộ dân nằm trong con hẻm 162/15/1 đường Nguyễn Thái Học để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác. Địa bàn này thuộc tổ dân phố 1 được chọn làm thí điểm. Đến đâu ông Hải cũng nhắc: Bà con phân ra 3 loại rác, rác thải tái chế được để trong túi đựng màu trắng, rác thải sinh hoạt hằng ngày bỏ vào bì màu, còn rác nguy hại thì để một bì riêng rồi hôm sau mang ra điểm thu gom tập trung. Nhớ cột chặt bì rác, từ 20 - 22 giờ mới đưa rác ra thu gom.
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc (59 tuổi, một hộ dân tại hẻm này) chia sẻ: Từ đầu tháng 10, hằng ngày nhà tôi chia rác ra thành 3 loại để riêng. Nhà có mấy phòng trọ chủ yếu cho sinh viên thuê, nên tôi nhắc các cháu làm theo. Làm cái này thì tôi ủng hộ, vừa bảo vệ cho gia đình mình vừa làm cho môi trường xung quanh sạch sẽ hơn.
Cũng ở địa bàn này, bà Nguyễn Thị Minh (65 tuổi) thật tình nói rằng, mới thực hiện được 1 - 2 ngày đầu tháng nên chưa thể nhớ hết từng loại rác để chia thành 3 loại. “Nhưng từ giờ thì tôi biết, cứ đúng 8 giờ tối mới mang rác ra đầu hẻm để bên môi trường thu gom, chớ không thể ưng là đưa ra như trước đây”, bà Minh vui vẻ nói.
Khu phố 8 có 636 nhà dân và 28 nhà cho thuê trọ, khoảng 3.120 nhân khẩu; trong đó tổ 1 có 122 nhà dân và 5 nhà cho thuê trọ. Khu phố đã thành lập tổ tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện phân loại của người dân. “Thay đổi thói quen của người dân không thể ngày một ngày hai, mà cứ phải nói tới, nói lui “mưa dầm thấm lâu”. Chúng tôi làm liên tục nửa tháng để bà con “thuộc bài” rồi mới tập thành thói quen được”, ông Hải nói.
Tổ tuyên truyền khu phố 8 đến hộ dân tổ dân phố 1 để hướng dẫn. Ảnh: M.H
Tại phường Nguyễn Văn Cừ, một số hộ dân cho biết cũng đã bắt đầu “để ý” phân loại rác vào “bì trắng, bì màu”. Bà Trần Thị Tuyến (68 tuổi, khu phố 7) chia sẻ: Thay vì trước kia bỏ rác chung hết 1 bì, rồi đưa rác ra để trước nhà có khi sớm có khi muộn, từ đầu tháng 10 thì tập phân rác ra bì màu trắng và bì màu, sau 20 giờ thì mang rác ra. Cũng không khó khổ gì, để ý một chút là được.
Tận dụng “lộ trình” tuyên truyền, hướng dẫn
Phường Ngô Mây có 11 khu phố, trước mắt từ tháng 10 địa phương này triển khai thí điểm cho người dân ở 11 tổ tại 11 khu phố. Theo bà Hoàng Thị Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Ngô Mây, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2022) quy định các địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở hộ gia đình, cá nhân chậm nhất vào cuối năm 2024. Sau thời gian này, việc không thực hiện phân loại rác sẽ bị xử phạt. Do đó, triển khai thí điểm là cơ hội rất tốt để người dân tập làm quen với việc phân loại rác hằng ngày.
“Hiện các tổ đang tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và giám sát hộ dân thực hiện phân loại rác. Từ ngày 10.10, chúng tôi tiếp tục làm cuốn chiếu ở những tổ khác, đến tháng 3.2025 triển khai cho toàn phường”, bà Thanh cho hay.
Khác với phường Ngô Mây, phường Nguyễn Văn Cừ triển khai cho toàn bộ hộ dân 9/9 khu phố, gồm: 3.210 nhà dân; khoảng 153 nhà nghỉ, khách sạn; 67 cơ quan, trường học; 57 quán ăn lớn. Phó Chủ tịch UBND phường Võ Đình Lang cho biết: Nhiều hộ dân bắt đầu biết phân loại rác, nhưng để bỏ thói quen cũ, thay đổi hành vi cần có thời gian. Nửa đầu tháng 10, chúng tôi tập trung tuyên truyền, thuyết phục người dân là chính.
Bước đầu gỡ vấn đề nhà trọ cho thuê nhưng chủ nhà trọ không ở tại địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Phước - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 7, phường Nguyễn Văn Cừ, cho biết: 28 hộ cho thuê trọ thì 4 hộ cho thuê vắng chủ đến nay đều ký cam kết thực hiện phân loại rác, chuẩn bị thùng phân loại rác và hướng dẫn người thuê trọ thực hiện. Khu phố cũng sẽ vận động kinh phí để mua các thùng đựng rác đặt ở ngã ba, ngã tư đường hẻm xương cá, thuận tiện cho người dân tập trung rác.
Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh: Việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt là yêu cầu bắt buộc trong lộ trình phát triển Quy Nhơn bền vững về môi trường. Với hỗ trợ của UNDP, cùng sự vào cuộc của ngành, đơn vị liên quan, từ ngày 1.10 thành phố thí điểm phân loại rác tại nguồn ở phường Nguyễn Văn Cừ, Ngô Mây, tiếp đó là các xã ven biển; đến giữa năm 2025 triển khai toàn thành phố. Đây là một trong những hành động quan trọng trong triển khai kế hoạch tăng cường xây dựng văn minh đô thị, vệ sinh môi trường và một số nội dung khác nhằm giữ vững tiêu chuẩn Quy Nhơn “Thành phố du lịch sạch ASEAN”.
MAI HOÀNG