Thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp
Những năm trước đây, trên gần 3 sào đất vườn, gia đình bà Hồ Thị Sinh (65 tuổi, ở thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân) chủ yếu trồng các loại hoa màu, lợi nhuận không cao, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đến tháng 6.2021, sau khi tìm tòi, học hỏi các mô hình trồng cây ăn quả, cây có múi ở các địa phương trong huyện, bà Sinh quyết định vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để chuyển sang trồng 120 gốc bưởi da xanh.
Để cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, bà tìm tòi, nghiên cứu áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăm sóc. Chỉ sau 2 năm trồng, vườn bưởi đã cho lứa trái đầu tiên. Bà Sinh cho hay: Để cây bưởi phát triển tốt, trái to, ngọt, mọng nước, phải trồng bưởi với mật độ đủ thưa để cây dễ quang hợp, phát triển, sử dụng phân bón đúng quy trình kỹ thuật; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thật hợp lý. Bưởi da xanh cho trái quanh năm nên phải tỉa bớt trái, trảy bỏ những cành vô hiệu nhằm hạn chế sâu bệnh…
Bà Hồ Thị Sinh (bìa phải) vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình trồng bưởi da xanh. Ảnh: D.Đ
Với 120 gốc bưởi, mỗi năm bà Sinh thu hoạch 2 vụ chính, bưởi thu hoạch đến đâu đều được thương lái đến tận vườn mua hết đến đó. Trung bình 1 cây bưởi cho gần 30 - 35 quả, mỗi quả có trọng lượng từ 1,5 - 2,5 kg, giá bưởi ổn định ở mức 30.000 đồng/kg, bình quân mỗi cây đem lại thu nhập hơn 2 triệu đồng/năm.
“Thấy việc chuyển đổi cây trồng phù hợp đạt hiệu quả tốt, giữa năm 2023, tôi tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, đầu tư giàn tưới tự động, trồng thêm 40 gốc bưởi xen canh với gần 150 cây cau, chuối… Tôi tính, riêng phần cau, chuối có thể thu lai rai quanh năm gần 40 triệu đồng/năm. Nhờ làm ăn hiệu quả, cuối năm nay, gia đình tôi sẽ chủ động xin địa phương ra khỏi hộ cận nghèo”, bà Sinh nói.
DUY ĐĂNG