Kháng kháng sinh: Thách thức lớn với an ninh y tế toàn cầu
Từ năm 1990, tình trạng kháng kháng sinh là nguyên nhân gây ra xấp xỉ 1 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu và con số này được dự báo tăng cao trong những thập kỷ tới.
Tại Khóa họp 79 Đại hội đồng LHQ diễn ra ngày 26.9, các nhà lãnh đạo thế giới thông qua một tuyên bố chính trị mới, nhằm tăng cường nỗ lực đối phó với tình trạng kháng kháng sinh (AMR), mối đe dọa lớn trong y học hiện đại. AMR xuất hiện khi mầm bệnh khiến các bệnh truyền nhiễm chống lại tác dụng của thuốc. Khi đó, thuốc kháng sinh trở nên kém hiệu quả hơn.
Đối với các chuyên gia về an ninh truyền thống, mối đe dọa của chiến tranh và xung đột vũ trang là những vấn đề cần được chú ý và hỗ trợ tài chính, nhưng dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của vấn đề an ninh y tế. Không có gì ngạc nhiên nếu AMR có thể khiến những tiến bộ y khoa trong cả thế kỷ qua trở nên vô nghĩa, cũng như đưa xã hội trở lại thời kỳ tiền kháng sinh, khi mà những căn bệnh truyền nhiễm có thể điều trị hiện tại trở thành khó chữa và tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao. AMR xảy ra chủ yếu do sử dụng sai hay quá liều các loại thuốc kháng sinh, khiến cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc và làm cho bệnh nghiêm trọng hơn.
Những bệnh nhiễm trùng từng được chữa dễ dàng nhờ thuốc kháng sinh đang trở nên khó điều trị hơn. Ảnh: Kwangmoozaa/Getty Images/iStockphoto
Một nghiên cứu toàn diện nhất về AMR của Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME, thuộc Đại học Y khoa Washington, Mỹ) dự báo cho đến năm 2050 thế giới sẽ có khoảng 39 triệu người chết do AMR. Nghiên cứu này cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong do AMR ở giới trẻ sinh trong khoảng từ năm 1990 - 2022 sụt giảm, nhưng tỷ lệ ở các nhóm lớn tuổi hơn lại gia tăng. Phát hiện của IHME cũng chỉ ra rằng, mặc dù tình trạng này ảnh hưởng đến tất cả, bất kể vị trí địa lý hay hiện trạng KT-XH, nhưng các trường hợp tử vong xuất hiện nhiều nhất ở các nước thu nhập trung bình và thấp thuộc Nam Á, như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, cũng như nhiều nơi ở phía Đông, Nam châu Á và tiểu vùng Sahara châu Phi. Những nơi này thường đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch, hệ thống y tế quá tải, ngân sách eo hẹp và sự lỏng lẻo trong thực thi quy định pháp lý.
“Tác động của AMR là không đồng đều, khi mà người dân ở các nước thu nhập trung bình và thấp đang phải chịu gánh nặng lớn hơn”, Jeremy Knox, chuyên gia về chính sách bệnh truyền nhiễm tại Quỹ ủy thác y tế Wellcome (Anh), nói.
AMR cũng là thách thức tại một số khu vực đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất trên thế giới. Từ Gaza cho đến Sudan hay Ukraine, AMR khiến cho việc điều trị bệnh nhân thời chiến trở nên khó khăn hơn, nhưng ngay cả trước khi xảy ra xung đột, đây cũng đã là vấn đề nghiêm trọng ở Gaza với tỷ lệ AMR tăng đến 300%. Ngoài ra, những bệnh truyền nhiễm kháng thuốc kháng sinh mà phát sinh tại các vùng xung đột cũng có xu hướng phức tạp, do sự di chuyển của con người, sơ tán y tế hay việc binh sĩ sống chung với dân thường tại các bệnh viện. Điều này tạo cơ hội cho AMR lan rộng.
Đối phó với AMR không phải là dễ dàng. Mặc dù cảnh báo về tình trạng này đã và đang được phát đi với tần suất mạnh hơn, nhưng các giải pháp vẫn chưa được triển khai đầy đủ, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh. Tuyên bố chính trị được thông qua ở New York vừa qua bao gồm các cam kết liên quan đến sức khỏe con người, thú y, nông nghiệp và môi trường, trong đó hướng đến mục tiêu giảm 10% trong tổng số ca tử vong ước tính mỗi năm do AMR vào năm 2030, hay ít nhất 70% thuốc kháng sinh sử dụng cho sức khỏe con người trên toàn cầu phải thuộc nhóm thuốc kháng sinh tiếp cận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà ít có khả năng gây ra AMR nhất.
Nhìn chung, việc ứng phó thành công với AMR phụ thuộc vào cam kết chính trị, tài chính bền vững, đo lượng tiến trình một cách hiệu quả và quan trọng hơn hết, đặt những người bị ảnh hưởng vào trung tâm của giải pháp.
LÊ QUẢNG (Theo The Interpreter, El Pais)