Xác định bước đi chiến lược cho nông sản Bình Ðịnh
Sáng 8.10, tại Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, do UBND tỉnh tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP và GlobalGAP.
Sự kiện do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì, cùng sự tham dự của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, Lâm Hải Giang, và hơn 250 đại biểu từ các DN, hộ kinh doanh, nông dân, đơn vị sản xuất, kinh doanh, thu mua nông sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn
Sản xuất, tiêu thụ thiếu tính bền vững
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai nhiều đề án, kế hoạch nhằm tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Nhờ đó, tỉnh đã phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với nhiều sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, các mô hình nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ cũng đang dần được mở rộng. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gồm lúa, ớt, đậu phụng, dừa, bưởi, xoài..., trong đó một số mặt hàng có tiềm năng phát triển thành sản phẩm hàng hóa tập trung, hướng tới xuất khẩu như ớt, bưởi, dừa, xoài. Đặc biệt, ớt và dừa đang nhận được sự quan tâm từ các DN chế biến và xuất khẩu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Bình Định là vựa chăn nuôi heo lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với tổng đàn lên đến 686,2 nghìn con; đàn bò có xu hướng tăng mạnh với 308,6 nghìn con; chăn nuôi gà luôn dẫn đầu cả vùng với số lượng khoảng 8,5 triệu con. Đến nay, toàn tỉnh có 382 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, góp phần nâng cao giá trị cho nông sản địa phương.
Nông dân khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) chăm sóc vườn rau. Ảnh: NGUYỄN GIA
Dù đã có nhiều bước phát triển đáng kể, sản xuất và tiêu thụ nông sản tại Bình Định vẫn còn nhiều thách thức. Tình trạng “được mùa mất giá” vẫn xảy ra thường xuyên, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao. Đặc biệt, việc chưa hình thành được các chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng là một trong những nguyên nhân chính khiến sản xuất nông nghiệp của tỉnh thiếu tính bền vững. Mấu chốt để giải quyết tình trạng này là cần có sự tham gia mạnh mẽ của các DN và HTX. Các đơn vị này đóng vai trò quan trọng trong việc làm đầu mối sản xuất theo đơn đặt hàng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thu gom, sơ chế, chế biến nông sản, đàm phán giá cả, ký kết hợp đồng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đưa ra con số đáng chú ý: Chỉ 45,7% trong số khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nông sản tại tỉnh đăng ký kinh doanh và chỉ có 3,3% số cơ sở áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc HACCP. Bà Trân cảnh báo: “Những con số này chỉ ra rằng cần có sự cải thiện mạnh mẽ để hướng đến phát triển bền vững”.
Cần xác định cây trồng chủ lực
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinanutrifood Bình Định, đề xuất, để phát triển nông nghiệp hiệu quả, tỉnh cần xác định cây trồng chủ lực. Bà Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nếu Bình Định không có sự khác biệt về sản phẩm thì sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư và đối tác thu mua”. Bà đưa ra gợi ý phát triển cây dừa, khi thị trường Trung Quốc đang thiếu hụt tới 21 triệu tỷ trái dừa mỗi năm.
Vinanutrifood cũng công bố kế hoạch đầu tư khu sản xuất và chế biến nông lâm sản quy mô lớn tại huyện Tây Sơn, với nhà máy chế biến 5 tấn ớt/ngày; chế biến xoài với sản lượng 5.553 tấn/năm; dự kiến đạt công suất chế biến 20.000 trái dừa tươi cắt kim cương/ngày, 30.000 trái dừa sọ/ngày và 20.000 trái dừa cùi/ngày.
Ký kết cam kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các đơn vị thu mua và đơn vị sản xuất theo các phương thức ổn định sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Theo bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty Chế biến nông sản, lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia, công ty đã đầu tư dự án chuyên chế biến ớt muối tại cụm công nghiệp Đại Thạnh (huyện Phù Mỹ); đặt mục tiêu từ nay đến năm 2027 tiêu thụ 6.000 - 10.000 tấn ớt/năm, tương đương với 300 ha vùng trồng. Riêng năm nay, công ty có nhu cầu 6.000 tấn ớt. Hiện nay, đơn vị đã xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt tươi ở xã Cát Tài (huyện Phù Cát), với 5 ha. Chất lượng cây ớt Bình Định rất tốt, nhưng vùng nguyên liệu còn nhỏ lẻ. Bà Thủy nhấn mạnh: “Để sản xuất bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, cần mở rộng vùng nguyên liệu với chất lượng cao và ổn định”.
Hướng tới chuẩn VietGAP, GlobalGAP
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhận định, sản phẩm nông nghiệp và các làng nghề truyền thống của tỉnh rất đa dạng và nổi tiếng, song phần lớn vẫn phát triển theo mô hình nhỏ lẻ, chưa tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn rộng rãi. Điều này gây khó khăn cho nông dân trong việc nâng cao thu nhập từ nông nghiệp.
“Tỉnh chưa có đủ các nhà máy chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc cơ hội tận dụng những lợi thế của nông nghiệp vẫn chưa được khai thác hết mức. Tư duy sản xuất hiện tại chưa bắt kịp xu hướng của các vùng khác trong cả nước. Do đó, cần thay đổi tư duy sản xuất, đồng thời phát triển các chuỗi giá trị từ nông sản, hướng tới sự bền vững.
Bên cạnh việc xác định rõ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các địa phương cần tính toán đến điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của từng vùng, tránh chạy theo lợi ích ngắn hạn. Các sản phẩm có giá trị kinh tế cao cần được phát triển theo vùng nguyên liệu lớn, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, phục vụ cho cả tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu”.
Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN
Về mặt sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nông dân và DN phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Hiện tại, nhiều vùng sản xuất trong tỉnh vẫn còn phụ thuộc vào kinh nghiệm truyền thống, chưa áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại. Đây là một thách thức, cần phải khắc phục để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Chủ tịch Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý tầm quan trọng của việc kiểm soát chặt chẽ khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu và các chất hóa học trong sản xuất, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Các cơ quan chức năng được yêu cầu phải giám sát, hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, đồng thời loại bỏ các sản phẩm gây hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề xuất 4 mô hình chính để cải thiện tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gồm: Liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm chủ lực và xây dựng chuỗi cung ứng ổn định; bán hàng trực tiếp cho DN chế biến; bán hàng qua thương nhân; bán hàng qua thương mại điện tử. Ngoài ra, mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng cần được áp dụng rộng rãi. Tuy vậy, chỉ những sản phẩm đạt chuẩn mới có thể thu hút sự quan tâm từ khách hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng như livestream và thương mại điện tử.
Tỉnh đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nông dân, từ ứng dụng KHCN đến xúc tiến thương mại. Đồng thời, thu hút đầu tư vào các nhà máy chế biến nông sản, trong đó có hai dự án lớn: Khu sản xuất, chế biến nông lâm sản của Công ty CP Vinanutrifood Bình Định và nhà máy chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm của Công ty TNHH San Hà. Cả hai dự án đều dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn kết luận: “Việc phát triển nông nghiệp không chỉ là trách nhiệm của riêng nông dân mà còn là của các địa phương và ngành chức năng. Các huyện, thị xã, thành phố cần coi phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, với sự giám sát trực tiếp từ lãnh đạo địa phương để đảm bảo việc triển khai hiệu quả”.
TRỌNG LỢI