Công tác chống khai thác IUU trên địa bàn Tuy Phước: Quyết liệt xử lý vi phạm theo quy định mới
UBND huyện Tuy Phước đang thực hiện các biện pháp mạnh nhằm khắc phục triệt để hai tồn tại lớn liên quan đến công tác chống khai thác IUU trên địa bàn, đó là: Tàu cá chưa có giấy phép khai thác thủy sản và tình trạng xung điện xiếc máy.
Chấm dứt chuyện “dân biết sai nhưng vẫn làm”
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) và Đồn Biên phòng Nhơn Lý (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) thường xuyên tổ chức những đợt thanh, kiểm tra, tuần tra cao điểm, dài ngày trên khu vực đầm Thị Nại, tại những “điểm nóng” về xung điện xiếc máy thuộc địa bàn của huyện Tuy Phước. Suốt thời gian các tổ tuần tra làm việc trên khu vực đầm Thị Nại, không phát hiện bất cứ chiếc tàu vi phạm nào. Vậy nhưng, ngay khi các tổ tuần tra vừa rút đi, tình trạng vi phạm lập tức tái diễn.
Xử lý tàu cá vi phạm ngay tại bến là giải pháp khả thi chấm dứt tình trạng xung điện xiếc máy.
- Trong ảnh: Lực lượng chức năng bắt giữ phương tiện xung điện xiếc máy trên đầm Thị Nại. Ảnh: N.T
Thiếu tá Nguyễn Văn Đồng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Lý, cho biết, trong tháng 9 vừa qua, Đồn tổ chức xuất quân tuần tra bất ngờ trên đầm Thị Nại, đến khu vực thuộc thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận thì phát hiện 1 chiếc tàu vi phạm, nhưng họ tăng tốc bỏ chạy vào sâu trong lạch, nơi đó tàu của tổ không thể tiếp cận vì sẽ bị mắc cạn. Một lần khác, nhận được tin có một số tàu vi phạm đang hoạt động, Đồn cử tàu tuần tra ra đến nơi thì số tàu này đã bỏ trốn; quá trình tìm hiểu được biết đối tượng vi phạm đã cử người canh vị trí tập kết và hướng di chuyển của tổ tuần tra để kịp thời báo tin…
Qua thống kê, toàn huyện có 154 phương tiện hành nghề giã cào, xung điện, xiếc máy, trong đó, “điểm nóng” là xã Phước Thuận với 139 phương tiện. Theo ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, một số chủ tàu thậm chí còn nâng cấp hai gọng xiếc bằng cây gỗ lâu nay thành hai cây sắt, có mức độ gây tác hại đến nguồn lợi thủy sản lớn hơn; đồng thời mua và lắp máy ô tô vào tàu để tăng tốc độ di chuyển, hòng trốn thoát sự truy đuổi của lực lượng chức năng.
Cũng vì biết hoạt động của mình bị cấm nên chừng ấy chủ tàu chần chừ việc làm giấy phép khai thác thủy sản cho tàu, dù đã được xã gửi giấy mời đến thôn làm đơn đăng ký. Qua thống kê, Tuy Phước đang có 390 tàu cá hết hạn giấy phép hoặc chưa làm giấy phép khai thác thủy sản. Ngoài số hoạt động nghề cấm, còn có một bộ phận người dân cho rằng họ chỉ dùng tàu cá để phục vụ việc nuôi trồng thủy sản nên không cần thiết làm giấy phép.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước, tình trạng “dân biết sai nhưng vẫn làm” tồn tại trong thời gian dài chủ yếu do một số bất cập trong quy định xử lý vi phạm, trong đó có quy định chỉ được xử lý khi bắt quả tang hành vi vi phạm, nên tính răn đe chưa cao. “Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 20.5.2024 giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc. Huyện đang nỗ lực triển khai Nghị định thật hiệu quả để chấm dứt tình trạng này”, ông Xuân cho biết.
Xử lý dứt điểm trong tháng 10
Theo ông Lê Đức Quang, phương án khả thi nhất để chấm dứt tình trạng xung điện xiếc máy là xử lý tàu cá vi phạm ngay tại bến đậu bằng cách tổ chức cưỡng chế, tháo gỡ, tịch thu gọng xiếc và xử phạt theo quy định hiện hành. “Nhưng khả năng cao là việc xử lý tại bến sẽ gặp phải sự chống đối quyết liệt từ chủ tàu vi phạm, nên xã đang rất cần sự chung tay, vào cuộc của nhiều bên, nhiều thành phần, lực lượng liên quan”, ông Quang đề xuất.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản gợi ý, Tuy Phước cần nghiên cứu kỹ Điều 28 trong Nghị định 38, quy định việc xử lý vi phạm sử dụng điện để khai thác thủy sản với từng mức phạt rất cụ thể, trong đó có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho rằng, cán bộ tuyên truyền cần nhấn mạnh với người dân về khoản lệ phí cấp giấy phép. Theo đó, phí cấp mới là 40.000 đồng, cấp lại 20.000 đồng. Tàu cá từ 12 m trở lên thì thời hạn của giấy phép theo hạn đăng kiểm, còn tàu từ 6 m đến dưới 12 m thì hạn giấy phép là 1 năm. Việc đăng ký giấy phép hiện tại đã có hình thức trực tuyến, cán bộ bưu điện của các xã có thể hỗ trợ người dân việc này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, huyện triển khai đợt cao điểm chống khai thác IUU ngay trong tháng 10.2024. Điểm nhấn của đợt cao điểm là việc thành lập các tổ phòng chống xung điện xiếc máy. Ở cấp huyện, Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện thành lập Tổ phòng chống xung điện, xiếc máy gồm các thành phần: CA, Phòng NN&PTNT, Phòng TN&MT, Chi cục Thủy sản, BĐBP; lên kế hoạch tổ chức tuần tra, xử phạt theo Nghị định số 38. Ở cấp xã, UBND 4 xã: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng thành lập tổ công tác gồm đại diện CA xã, cán bộ nông nghiệp, môi trường, hội đoàn thể xã, thôn (thôn có nghề cấm khai thác thủy sản), do CA xã làm Tổ trưởng tổ chức tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử phạt mọi hành vi vi phạm theo Nghị định số 38.
“Mọi phần việc phải được thực hiện một cách hiệu quả. Thời gian tới, địa phương nào còn để xảy ra vi phạm IUU trên địa bàn, chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện”, ông Nguyễn Ngọc Xuân nhấn mạnh.
NGỌC TÚ