Quản lý bền vững chất thải nhựa trong cơ sở y tế
Bệnh viện Bình Định là bệnh viện đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên thí điểm xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế. Mô hình thí điểm tập trung vào việc quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa tại bệnh viện.
Sau BVĐK TP Cần Thơ (TP Cần Thơ) và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), giữa tháng 9.2024, Bệnh viện Bình Định được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) chọn hợp tác triển khai sáng kiến “Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế”. Đây là mô hình thí điểm của sáng kiến thuộc dự án “Giảm thiểu ô nhiễm” do Bộ TN&MT là đơn vị chủ quản, với tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua Tổ chức Winrock International.
Sáng kiến nhằm giảm thiểu và quản lý bền vững chất thải nhựa y tế thông qua việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn với cách tiếp cận tác động tập thể, từ đó giảm phát sinh chất thải nhựa y tế, đồng thời tăng tỷ lệ chất thải nhựa y tế được tái chế, tái sử dụng tại bệnh viện. Mô hình sẽ triển khai tại Bệnh viện Bình Định từ nay đến năm 2025. Với thực tế hoạt động của Bệnh viện Bình Định, mô hình tập trung vào giảm thiểu đầu vào của chất thải nhựa; trong đó chú trọng mua sắm xanh và phân loại, thu gom chất thải nhựa một cách triệt để nhất từ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.
Các đơn vị triển khai dự án khảo sát việc thực hiện quản lý chất thải nhựa tại Bệnh viện Bình Định. Ảnh: M.H
Bác sĩ CKII Hồ Việt Mỹ, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bình Định, cho hay, do đặc thù của ngành y tế với các quy định nghiêm ngặt về an toàn người bệnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, lượng rác thải nhựa y tế và rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động khám chữa bệnh là rất lớn. Tại Bệnh viện Bình Định, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 225 bệnh nhân nội trú và hơn 800 bệnh nhân ngoại trú, kéo theo lượng lớn rác thải nhựa từ người bệnh, người nhà người bệnh.
Cùng với công tác khám chữa bệnh, việc quản lý, xử lý chất thải nhựa y tế và chất thải nhựa phát sinh là một trong những vấn đề được bệnh viện ưu tiên giải quyết. Theo bà Phạm Thị Hương Lan, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bình Định), lượng chất thải nhựa y tế được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, hay từ các hoạt động chuyên môn y tế… Lâu nay chất thải có thể tái chế trong khu vực nhân viên y tế được phân loại, thu gom khá tốt. Riêng với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì chưa thể thu gom hết, do tất cả đều bỏ chung vào thùng chất thải thông thường. Với hợp tác của CHERAD, Bệnh viện Bình Định đang phối hợp rà soát quy trình thu gom chất thải nhựa tại cơ sở. Đồng thời, bước đầu tập huấn cho nhân viên y tế. Từ tháng 10.2024, bệnh viện sẽ đẩy mạnh tập huấn cho nhân viên y tế và truyền thông thường xuyên, liên tục đến người bệnh, người nhà người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga- Giám đốc CHERAD, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), cho biết, việc giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế đã được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai năm 2019, nhưng thực tế triển khai lúng túng vì thiếu các tài liệu hướng dẫn, chương trình đào tạo, cũng như mô hình thích hợp để áp dụng. Việc triển khai sáng kiến “Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế”, hướng tới xây dựng một giải pháp toàn diện. Theo đó sẽ giảm thiểu chất thải nhựa tại bệnh viện từ khâu mua sắm, sử dụng, phân loại, xử lý, tái chế.
Ông Bikask Pandey - Giám đốc chương trình Năng lượng sạch, Quyền Giám đốc dự án giảm thiểu ô nhiễm, nhấn mạnh: Mô hình hợp tác giữa CHERAD và Bệnh viện Bình Định là dấu mốc rất quan trọng hướng đến nỗ lực chung trong giải quyết thách thức liên quan đến quản lý chất thải nhựa tại cơ sở y tế. Đây là 1 trong 6 sáng kiến quan trọng của dự án giảm thiểu ô nhiễm, giải pháp này đặc biệt quan trọng đối với Bệnh viện Bình Định.
MAI HOÀNG