Xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học: Quy trình đơn giản, hiệu quả khả quan
Theo thống kê của các ngành chức năng, mỗi ngày toàn tỉnh thải ra khoảng 1.000 tấn chất thải rắn và hơn 21.900 m3 nước thải từ hoạt động chăn nuôi. Điều đáng quan tâm là vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi, nhất là khu vực nông thôn, giữ thói quen xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc ủ đơn giản, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Tại các huyện trọng điểm chăn nuôi như Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù tỉnh đã khuyến khích xây dựng hầm biogas, nhưng chi phí cao (30 - 40 triệu đồng/công trình) khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể tiếp cận được giải pháp này.
Xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ là nơi có dân cư chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp và chăn nuôi không tập trung tại nhà, vì thế việc xử lý chất thải chăn nuôi là bài toán khó đối với địa phương. Hiện nay, xã khuyến khích người dân sử dụng chế phẩm sinh học - giải pháp vừa đơn giản vừa tiết kiệm. Quy trình xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học chỉ với vài bước đơn giản: Dọn vệ sinh chuồng trại, pha loãng chế phẩm với nước rồi phun đều lên nền chuồng và phân thải; rải một lớp mỏng vỏ trấu hoặc rơm khô lên trên, ủ trong 30 ngày. Sau 30 ngày, toàn bộ chất thải đã hoàn toàn phân hủy, tạo thành loại phân hữu cơ có màu nâu sẫm, mùi như đất mùn.
Hướng dẫn người dân trộn chế phẩm sinh học theo đúng tỷ lệ tại nhà. Ảnh: H.G
Ông Thái Quốc Thi (thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh), khẳng định: “Với chi phí mua chế phẩm thấp, quy trình xử lý đơn giản, vừa giảm mùi hôi vừa tạo được nguồn phân bón để phục vụ trồng trọt hiệu quả như vậy, đây là giải pháp phù hợp cho bà con nông dân chúng tôi”.
Ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh, nhấn mạnh: Xử lý ô nhiễm môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, với những kết quả khả quan từ việc áp dụng chế phẩm sinh học, có thể thấy đây là một giải pháp khả thi và bền vững để “xanh hóa” môi trường nông thôn, hướng tới một tương lai sạch hơn, xanh hơn cho khu vực nông thôn.
Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN), đơn vị chuyên nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm sinh học trực thuộc Sở KH&CN, đang triển khai các chương trình hỗ trợ người dân xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học. Ông Trần Ngọc Hiệu, Phụ trách Phòng Nghiên cứu ứng dụng và phát triển KH&CN của Trung tâm cho biết: Nhằm giảm tải cho môi trường, chúng tôi cung cấp những kiến thức cơ bản về phân loại các chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đồng thời trực tiếp hướng dẫn bà con sử dụng chế phẩm sinh học BIDI-IMO để xử lý mùi hôi của rác thải sinh hoạt hữu cơ tại nhà, tại chợ cũng như phương pháp ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải chăn nuôi thành phân bón bằng chế phẩm BIDI-MICOM. Đến nay, chương trình đã triển khai đạt hiệu quả khá tốt tại nhiều địa phương như Phù Cát, Phù Mỹ, An Lão… và đang được nhân rộng.
HƯƠNG GIANG