Hỗ trợ phụ nữ lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng
Thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành tích cực giúp nữ phạm nhân mãn hạn án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.
Chung tay hỗ trợ
Nhiều năm qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Trại giam Kim Sơn (Cục C10, Bộ CA, tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) tổ chức nhiều chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cũng như các cơ chế hỗ trợ cho nữ phạm nhân. Qua đó, giúp họ có động lực và niềm tin để cải tạo tốt, trở về với xã hội.
Theo đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, các chương trình đã khơi dậy ước mơ hoàn lương ở phạm nhân nữ. Năm 2023, có 31/294 phạm nhân được giảm án là phụ nữ và 1 nữ phạm nhân được tha tù trước hạn. Năm 2024, có 219 phạm nhân được giảm án, trong đó có 31 nữ và 6 nữ được tha tù trước hạn.
Về hỗ trợ nữ phạm nhân sau khi chấp hành án phạt, bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Ngoài phối hợp với Trại giam Kim Sơn, Ngân hàng CSXH và Hội Nữ doanh nhân tỉnh, chúng tôi còn tuyên truyền, tư vấn cơ chế hỗ trợ cho nữ phạm nhân sau khi mãn hạn tù. Các cấp hội sẽ hướng dẫn chị em vay vốn để học tập, tạo việc làm, giúp chị em ổn định cuộc sống”.
Sắp tới, TP Quy Nhơn sẽ tiếp nhận một số chị em mãn hạn án phạt tù trở về với cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo Hội LHPN các xã, phường tiếp nhận và kết nạp hội viên, lắng nghe tâm tư, nhu cầu của các chị để kết nối với một số DN giới thiệu việc làm. Đối với những chị có nhu cầu vay vốn để học tập và phát triển kinh tế, chúng tôi sẽ xem xét hỗ trợ từ Ngân hàng CSXH”.
Hội LHPN tỉnh tặng sinh kế cho nữ phạm nhân sắp mãn hạn tù tại Trại giam Kim Sơn. Ảnh: T.K
Tự tin hòa nhập cộng đồng
Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ người mãn hạn tù, đặc biệt là phụ nữ, vay vốn để phát triển kinh tế và hòa nhập với cộng đồng diễn ra sâu rộng. Hiện toàn tỉnh có 118 người mãn hạn tù vay vốn với tổng số tiền hơn 9,5 tỷ đồng, trong đó 63 phụ nữ vay qua kênh ủy thác của Hội LHPN.
Chị T.H.K.C. (ở xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) mãn hạn tù năm 2021, đúng dịp dịch Covid-19 bùng phát. Đến năm 2022, chị được Hội LHPN xã hỗ trợ vay 100 triệu đồng để kinh doanh. Chị cùng chồng đã đầu tư mua sắm rạp, bàn, ghế và các vật dụng bếp để làm dịch vụ cưới hỏi. Đến nay, dịch vụ cưới hỏi của chị ngày càng phát triển.
Chị C. chia sẻ: “Khi tôi từ trại giam về, gia đình và hàng xóm không ai kỳ thị mà còn động viên tôi. Đây là động lực lớn để tôi cố gắng vươn lên. Hội LHPN xã giới thiệu về nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Nhờ sự quan tâm và tạo điều kiện của mọi người, tôi cùng chồng mạnh dạn vay vốn làm lại từ đầu”.
Tại huyện Hoài Ân, hiện có 18 người mãn hạn tù được vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân, sau gần 1 năm thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, nhiều người đã hoàn lương và sử dụng vốn hiệu quả.
Điển hình là chị N.T.A. (ở xã Ân Tường Tây) vay 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 4 con bò chăn nuôi. Chị N.T.G. (ở xã Ân Tín) khi còn chấp hành án đã được Trại giam Kim Sơn tạo điều kiện học nghề nấu ăn. Mãn hạn tù, chị vay 100 triệu đồng để kinh doanh dịch vụ ăn uống, không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho một số người khác tại địa phương.
Ông Nguyễn Minh Hiếu cho biết thêm, theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, người chấp hành xong án phạt tù nếu có nhu cầu vay vốn để học nghề sẽ được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người cho đến khi kết thúc khóa học; còn vay vốn để kinh doanh, mức tối đa là 100 triệu đồng/người, thời hạn tối đa là 120 tháng.
THẢO KHUY