Đẩy mạnh can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV
Can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trước tình hình dịch HIV ở Bình Định vẫn tập trung chủ yếu trong nhóm có hành vi nguy cơ cao, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh xác định việc triển khai và nhân rộng các hoạt động can thiệp giảm hại và hướng dẫn tư vấn xét nghiệm tự nguyện (TVXNTN) là hết sức cần thiết.
Các hoạt động can thiệp giảm tác hại được thực hiện chủ yếu thông qua mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng, tuyên truyền viên, cộng tác viên tiếp cận người nghiện chích ma túy, người bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới và những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao khác trong cộng đồng để thực hiện truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su… Đồng thời, giới thiệu họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện các hành vi tình dục và tiêm chích an toàn.
Hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng đã bắt đầu từ năm 1996. Hiện nay có 16 nhân viên tiếp cận cộng đồng tại các huyện Hoài Nhơn (2 người), An Nhơn (2 người), Phù Mỹ (2 người), Tây Sơn (2 người) và Quy Nhơn (8 người), để can thiệp cho nhóm phụ nữ bán dâm. Trong 6 tháng đầu năm 2014, đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng đã tiếp cận các dịch vụ vui chơi giải trí có tiếp viên để giáo dục, tuyên truyền cho 198 gái mại dâm với 1.361 lượt tiếp cận, cấp phát miễn phí 45.000 bao cao su. Tiếp tục duy trì 95 điểm cung cấp bao cao su và tài liệu truyền thông miễn phí tại các cơ sở vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà trọ, cấp phát 97.000 bao cao su, 669 quyển sách nhỏ, 8.020 tờ rơi.
Công tác Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện hướng đến tư vấn trước và sau xét nghiệm, tư vấn cho khách hàng có hành vi nguy cơ cao, người mắc bệnh qua đường tình dục, cho bà mẹ mang thai, bệnh nhân AIDS. Với 1 phòng TVXNTN đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và 1 phòng đặt tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn, hoạt động tư vấn đã giúp khách hàng nhận biết được hành vi nguy cơ, xác định được tình trạng nhiễm HIV. Từ đầu năm đến tháng 6.2014, phòng TVXTTN tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã tư vấn cho 233 khách hàng.
Thời gian qua, hoạt động can thiệp giảm hại trong nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng và hoạt động TVXNTN đã đạt được một số kết quả nhất định góp phần đáng kể vào việc giảm lây nhiễm HIV trong các nhóm người có hành vi nguy cơ cao và từ nhóm người này ra cộng đồng. Trong thời gian tới, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động can thiệp để phòng lây nhiễm HIV/AIDS; củng cố mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS ở cơ sở; phát triển các hình thức tư vấn thông qua nhóm giáo dục đồng đẳng; thiết lập chương trình tư vấn và dịch vụ hỗ trợ nhằm nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS của nhân dân nói chung và những người có nguy cơ cao nói riêng để tiến tới mục tiêu không còn người nhiễm mới.
LÊ NGHI
(Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh)