Vẫn sáng màu áo blouse - Kỳ II
Họ - dù có hẳn quân hàm của ngành Công an, hay đơn giản là học hết giáo trình dành cho những y sĩ, điều dưỡng - đến với nghề bằng tâm niệm đang khoác chiếc áo blouse trắng. Chúng tôi đến với những khoảng thời gian của ngày và đêm tại các đơn vị xã hội đặc biệt: Trại giam Kim Sơn, Trung tâm Nuôi dưỡng Người tâm thần Hoài Nhơn, Trung tâm Giáo dục lao động - Xã hội tỉnh, để được gặp gỡ, được lắng nghe và cảm nhận những câu chuyện cảm động về tình người, tình đời.
Khổ mấy cũng chịu được
Không dễ kể hết những khó khăn, vất vả của những người chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng đặc thù. Một kỷ niệm “để đời” của Đại úy Trần Đình Ba - năm 1992, một phạm nhân nữ đau bụng kéo dài, đường sá lầy lội, cán bộ của Trung tâm Y tế huyện vào không được Trại giam Kim Sơn để điều trị. Vậy là đội ngũ y tế và cán bộ trại quyết tâm “vượt sình”. Chiếc “U-oát” cố trườn đến khi không còn nhích bánh nổi, các anh phải dùng võng để khiêng chị đi. Đến nơi, chị vừa kịp lên bàn mổ, cơn nguy kịch vượt qua trong gang tấc.
“Nhiệm vụ chính của cán bộ y tế vẫn là chăm sóc, điều trị cho phạm nhân. Song, họ còn là những người làm công tác tâm lý cho phạm nhân thông qua công tác điều trị. Chúng tôi mong cộng đồng hiểu hơn về công việc đặc thù của lực lượng này để có cái nhìn cảm thông, chia sẻ hơn, nhất là về phía gia đình phạm nhân”.
Thượng tá NGUYỄN NGỌC KỲ, Phó Giám thị Trại giam Kim Sơn
Người ta bảo, làm việc được ở “05-06” phải chịu khó (05 là ký hiệu chỉ đối tượng mại dâm, 06 chỉ đối tượng nghiện ma túy). Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, cán bộ y tế của Trung tâm Giáo dục lao động - Xã hội tỉnh khẳng định, phải nói là cực kỳ chịu khó mới trụ được. Họ không tự uống sữa được phải hòa từng ly sữa để đút. Đợt tập trung vừa rồi có 3 người già mắc bệnh “khó nói”, ai cũng phải mang tã hết. Nửa tháng qua, chị phải lo cơm nước, tắm rửa, giặt giũ quần áo cho một cô gái bị động kinh; bởi chưa tìm được gia đình của cô gái này. “Từ hồi nào đến giờ, mình chưa chăm ai như chăm bệnh nhân này”, chị Linh thật thà chia sẻ.
Trước đây đối tượng 05 nhiều, đông, vui, có “bạn” nên họ cũng vơi bớt sự chán nản. Hiện nay đối tượng này chỉ chịu phạt tại địa phương nên ít được tập trung, chỉ còn người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS. Chị Linh tâm sự: “Đối tượng ít hơn thì cũng đỡ nhọc. Vậy nhưng, về mặt tinh thần, đối tượng hay căng thẳng hơn nên cũng khó quản lắm”.
Chính nhờ những tấm lòng như vậy mà nhiều người hồi tâm chuyển ý. Trường hợp chị Bé (quê ở huyện Phù Mỹ) đã “hồi tâm chuyển ý”. Ra khỏi Trung tâm, chị lập gia đình với một người đàn ông thương mình thật lòng, rồi sống cùng ở Đà Nẵng. Chị mở hàng quán, làm ăn khấm khá, có một đứa con ngoan. Bây giờ có bất cứ chuyện gì “sục rục” trong nhà, chị Bé cũng gọi điện thoại tỉ tê chia sẻ với chị Linh. Thậm chí, anh chồng cũng gọi cho chị Linh chia sẻ, nhờ khuyên nhủ vợ những khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.
Nguy cơ phơi nhiễm HIV
Trung tá Huỳnh Văn Thanh, Đội trưởng đội y tế và bảo vệ môi trường của Trại giam Kim Sơn cứ nhớ mãi chuyện về một phạm nhân trẻ tuổi bị nhiễm HIV nhưng không chịu dùng thuốc. Cán bộ y tế không thuyết phục được, người nhà cũng không khuyên nhủ được gì. Mãi đến khi có sự tác động của đoàn công tác của cán bộ y tế tuyến trên, phạm nhân trẻ mới chịu dùng thuốc.
“Xã hội phân công mỗi người mỗi việc, những người làm việc tại Trung tâm đều xác định trách nhiệm của mình. Lực lượng y tế tại Trung tâm nhận nhiệm vụ chăm sóc, điều trị người tâm thần. Hiện nay, lực lượng y tế khá mỏng, lịch trực lại dày, tính chất công việc vất vả. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao tinh thần làm việc, cái tâm với nghề của anh em”.
Ông ĐOÀN THẾ TUẤN, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Người tâm thần Hoài Nhơn
Bên cạnh những trường hợp bệnh lý thông thường, bác sĩ trại giam hằng ngày vẫn đối phó với những “căn bệnh” không có trong y bạ. Đại úy Trần Đình Ba cho hay có hàng trăm bệnh lạ do phạm nhân cố tình tạo ra nhằm trốn lao động. Một nữ phạm nhân bỏ ớt vào âm đạo. Phạm nhân nam bơm dầu lửa vào tay, uống kem đánh răng với nước... “Tình trạng “bệnh lạ” thường xuyên xuất hiện mỗi buổi sáng làm công tác kiểm tra phạm nhân trước giờ lao động. Trong 2 giờ đồng hồ với hàng trăm phạm nhân, mỗi cán bộ y tế phải hết sức tỉnh táo để phát hiện những chiêu trò gây bệnh. Nhờ có sự phối hợp của cán bộ quản giáo cộng với kinh nghiệm nghề dạy nghề, chúng tôi dần phát hiện được các căn bệnh lạ này”, Đại úy Ba cho biết thêm.
Ở Trung tâm Giáo dục lao động - Xã hội tỉnh, chuyện quản giáo, nhân viên y tế bị “dính” kim tiêm của đối tượng không phải là chuyện hiếm. Tuy không còn công tác tại Trung tâm nữa, nhưng điều dưỡng Thái Văn Trực vẫn được đồng nghiệp ở đây hết sức nể phục vì tính anh chịu thương chịu khó, không nề hà hiểm nguy. Anh đã 2 lần phải điều trị ARV vì bị phơi nhiễm HIV. Một lần, anh bị miếng kính cắt vào người khi cố ngăn cản một người nghiện cố tìm cách bỏ trốn. Trước đó, anh bị kim đâm vào tay khi đang truyền dịch cho chị Lụa- một bệnh nhân AIDS ở Trung tâm.
“Người không quen, nghe người nghiện, nghe đến HIV/AIDS lại hãi. Còn chúng tôi, tiếp xúc với họ hằng ngày, những tai nạn nghề nghiệp hầu như không tránh khỏi. Sau những tháng ngày vất vả điều trị ARV, tôi vẫn tiếp tục công việc. Cũng là chuyện thường, thế thôi”, anh Trực tâm sự.
Bị phơi nhiễm HIV từ Lụa, nhưng anh Trực vẫn hết lòng chăm sóc cô gái hiền lành này. Mỗi lần Lụa điều trị thuốc ARV, anh Trực lại chở chị xuống BVĐK tỉnh. Quãng thời gian gần mất, chị Lụa yếu nhiều, cơ thể lở loét cả, nhưng anh vẫn cần mẫn chở chị xuống bệnh viện điều trị và chăm sóc cẩn thận như người nhà. Đó là khoảng thời gian khó khăn không chỉ với bệnh nhân. Các nhân viên y tế phải ngày đêm túc trực. Rồi, chị mất. “Sau khi mất. Âu cũng là chút an ủi cuối đời, chứ nhiều người chết chỉ có những người ở Trung tâm lo hậu sự, ngậm ngùi lắm”, anh Trực trải lòng.
Mâm cao cỗ đầy sao sánh được
Một ngày làm việc bình thường của những người mặc áo blouse trắng tại Trung tâm Nuôi dưỡng Người tâm thần Hoài Nhơn có hai lần cấp thuốc cho đối tượng và tổ chức nhiều hoạt động vật lý trị liệu. Họ vui theo mỗi chuyển biến, đổi thay của người bệnh. 7 năm trước, có một bệnh nhân vô danh vào Trung tâm với nỗi sợ hãi khi đối diện với chính đồng loại. Đưa cơm, cấp thuốc cho anh, chỉ có thể để ở cửa sổ phòng, đến lúc không còn bóng người anh mới dám ra gần cửa sổ. “Mất 8 tháng, chúng tôi mới có thể xóa đi khoảng cách và nỗi lo sợ đó. Ngày đầu tiên nhìn thấy anh đi nhận thuốc, sinh hoạt chung với mọi người, cán bộ y tế đã truyền tai nhau về niềm vui đặc biệt ấy”, anh Thái Văn Hành, cán bộ y tế 10 năm công tác tại Trung tâm, sẻ chia.
Khoác lên trên mình hai màu áo - màu xanh áo lính và màu trắng áo blouse- những người phụ trách công tác y tế trại giam vẫn luôn tự dặn mình với hai nhiệm vụ chính: điều trị, chăm sóc phạm nhân và động viên, cảm hóa họ. Phạm nhân sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm người thân. Không ít người bị gia đình ruồng bỏ hoặc mồ côi, không người thân thích. Sau những ương ngạnh, gay gắt với cuộc đời, giây phút ốm đau luôn khiến người ta yếu đuối và dễ mủi lòng. Có mặt bên họ trong giờ phút ấy để nhắc họ uống thuốc, có khi là đút cho họ muỗng cháo, siết nhẹ bàn tay... cán bộ y tế trại giam trở thành người được họ tin tưởng. Cảm giác thân thương là chất xúc tác để những lời khuyên, lời nhắn nhủ định hướng của cán bộ y tế dễ đi vào tâm trí phạm nhân.
31 tuổi nghề thì đã 25 năm Đại úy Trần Đình Ba gắn bó với phạm nhân. Ngẫm lại chặng đường ấy, anh đúc kết: “Hạnh phúc nhất là lúc chữa khỏi bệnh cho phạm nhân. Cảm giác ấy, dẫu mâm cao cỗ đầy thế nào cũng không sánh được”.
Hạnh phúc mà Đại úy Ba nhắc đến được bồi đắp nên từ những lần cứu chữa thành công cho phạm nhân. Đó là những kỷ niệm khiến anh xúc động mỗi khi nhắc đến. Năm 2007, một phạm nhân quê xã Cát Chánh, huyện Phù Cát được chẩn đoán bị lao khớp, được đưa đến Trung tâm Y tế Hoài Ân rồi chuyển lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, nhưng kết quả kiểm tra không đúng như thế. Phạm nhân được chuyển sang BVĐK TP Quy Nhơn, qua BVĐK tỉnh thì sức khỏe tạm ổn. Thế nhưng, khi trở về trại, phạm nhân lại trở nặng. Sau khi nghiên cứu tài liệu, anh “làm liều” phẫu thuật cho bệnh nhân. Vậy mà hết bệnh. Hồi đó, thương phạm nhân không còn cha mẹ, ngày nào anh cũng dành ra 5.000 đồng mua tôm về nấu cháo, tẩm bổ cho đến khi chàng trai khỏe lại.
Gần đây nhất, một phạm nhân ra tù đã 14 năm lại gọi điện cho Đại úy Ba để hỏi thăm loại thuốc năm xưa anh dùng để chữa hết chứng đau đầu cho chị. Anh bảo, những câu chuyện như thế không nhiều, nhưng lại khiến anh ấm lòng, tiếp thêm cho anh sức mạnh để tiếp tục gắn đời mình với những con người lầm lạc.
THU HIỀN - NGUYỄN MUỘI
Đọc 2 kỳ của bài viết, tôi thật sự rất xúc động và khâm phục những nhân viên y tế ở đây. Họ là một trong những tia sáng giữ cho hình ảnh người thầy thuốc xứng đáng với sự tin yêu của người dân. Họ làm việc tận tụy, cống hiến mà không có sự đòi hỏi gì. Thật đáng trân trọng. Tôi xin cảm ơn họ và cảm ơn cả những tác giả bài viết đã chịu khổ sống cùng họ để nghe và để thấu hiểu để có những thông tin gần gũi và xác thực.