Tây Sơn giải quyết chính sách đất đai cho người dân thôn M6, xã Bình Tân: Tích cực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện
UBND huyện Tây Sơn đang cùng chính quyền xã Bình Tân và các ban, ngành liên quan tích cực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xét giao đất sản xuất để người dân thôn M6 an cư lạc nghiệp.
Thôn M6 (xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) cách trung tâm xã Bình Tân khoảng 15 km về hướng Tây. Thôn có 3 xóm với 198 hộ, hơn 600 nhân khẩu; trong đó, xóm 1 là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Bana với 73 hộ/229 nhân khẩu. Những năm gần đây, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt… tại thôn M6 được các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng, giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, đi lại và vận chuyển nông, lâm sản.
Ông Đinh Văn Cao, Bí thư Chi bộ thôn M6, chia sẻ: “Được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên hệ thống điện - đường - trường tại thôn được đảm bảo, phục vụ tốt nhu cầu người dân. Tuy nhiên, hiện nhiều hộ dân ở xóm 1 thiếu đất và không có đất sản xuất. Ngoài ra, đa số hộ dân ở thôn M6 chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với đất ở và đất nông nghiệp, dù đã sử dụng, canh tác, sản xuất rất nhiều năm”.
Một góc thôn M6, xã Bình Tân. Ảnh: V.L
Theo ông Hồ Sĩ Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân, do nguyên nhân khách quan nên nhiều hộ dân ở thôn M6 chưa được cấp thẩm quyền cấp sổ đỏ đối với đất ở và đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tại xóm 1 có 38 hộ/131 nhân khẩu thiếu đất sản xuất và 13 hộ/31 nhân khẩu không có đất sản xuất.
Xã đã thống kê, rà soát, phân loại các trường hợp có nhà, đất ở, đất nông nghiệp tại thôn M6 theo các mốc thời gian sử dụng, gồm: Trước ngày 15.10.1993, trước ngày 1.7.2004 và sau ngày 1.7.2004 đến trước ngày 1.7.2014. Từ đó có cơ sở đề xuất, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, cấp sổ đỏ đối với đất ở và đất nông nghiệp cho người dân. Tuy nhiên, do vướng việc xác định Bình Tân là xã miền núi hay đồng bằng để ngành thuế tính tiền sử dụng đất, nên đến nay việc cấp sổ đỏ chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, năm 2020, UBND tỉnh có chủ trương khai thác rừng trồng phòng hộ đã chuyển ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp đối với 43 ha tại khoảnh 1, tiểu khu 228, xã Bình Tân để xét giao đất cho các hộ dân ở xóm 1 thiếu đất và không có đất sản xuất. Tuy nhiên đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Tây Sơn và các hộ hợp đồng nhận khoán trồng, chăm sóc đối với 43 ha tại khoảnh 1, tiểu khu 228 chưa khai thác hết cây keo trồng trên đất nên việc xét giao đất bị chậm.
Ông Lý Phùng Lê, Giám đốc Ban QLRPH huyện Tây Sơn, lý giải: Theo quy định hiện hành của UBND tỉnh, khi khai thác 43 ha rừng tại khoảnh 1, tiểu khu 228, Ban QLRPH được hưởng 15% giá trị lâm sản; còn hộ nhận khoán trồng, chăm sóc được hưởng 85%. Thế nhưng, hiện các hộ nhận khoán trồng, chăm sóc yêu cầu được hưởng 100% giá trị lâm sản khi khai thác đối với 43 ha này, nên đơn vị chưa thể thực hiện khai thác và đang xin ý kiến chỉ đạo từ sở, ngành có liên quan.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tây Sơn, ngày 1.10 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Sở TN&MT, xác định Bình Tân là xã miền núi. Đây là cơ sở để UBND huyện Tây Sơn làm việc với ngành thuế về thu tiền sử dụng đất khi người dân thôn M6 thực hiện nghĩa vụ tài chính để được cấp sổ đỏ. Gỡ được “nút thắt” này sẽ đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ đối với đất ở và đất nông nghiệp cho người dân thôn M6.
Đối với 43 ha rừng tại khoảnh 1, tiểu khu 228, UBND huyện Tây Sơn tiếp tục làm việc với các ban, ngành liên quan để tìm ra hướng giải quyết dứt điểm. Đồng thời, hoàn thiện phương án sử dụng, xét giao đất đối với diện tích này cho các hộ thiếu đất, không có đất sản xuất tại xóm 1. Qua đó, hoàn thiện hồ sơ, cơ sở dữ liệu địa chính để quản lý, khai thác, sử dụng đất hiệu quả, giúp người dân xóm 1 nói riêng, thôn M6 nói chung ổn định đời sống, sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình.
VĂN LỰC