TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ: Hợp tác, liên kết cùng phát triển
Cùng với việc đẩy mạnh hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ, việc liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng cũng phải được tính đến, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, liên kết.
Đây là một trong những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ (Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi) và triển khai kế hoạch giai đoạn 2024 - 2025, tổ chức tại TP Quy Nhơn sáng 11.10.
Dự hội nghị có: Ông Nguyễn Đức Cung, Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Văn phòng Trung ương Đảng; ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương; TS Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP Hồ Chí Minh; ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi; các hiệp hội, hội ngành nghề, DN đến từ TP Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Trung bộ…
Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: M.H
Phát huy thế mạnh, hình thành vùng kinh tế liên hoàn
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, cho hay, hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh và 6 tỉnh Duyên hải Trung bộ giai đoạn 2023 - 2025 với 2 phần trọng tâm là hợp tác chung và hợp tác riêng từng tỉnh. Trong đó, hợp tác chung ở 5 lĩnh vực, gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển KH&CN, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Về hợp tác song phương, TP Hồ Chí Minh ký kết từng lĩnh vực thế mạnh theo đặc thù và nhu cầu hợp tác của từng địa phương.
Sau 1 năm, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đã thực hiện 10/10 nội dung hợp tác cấp vùng và 10/11 nội dung hợp tác song phương; trong tháng 10.2024 tiếp tục thực hiện thêm 1 nội dung hợp tác song phương. Các địa phương đã quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác ký kết; tạo môi trường và động lực cho các DN, các nhà đầu tư chủ động liên kết, hợp tác giao thương.
Tuy nhiên, qua một năm hợp tác, liên kết, ngoài các mặt tích cực đạt được như đã nêu thì vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đại biểu, chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh có nhiều trao đổi để thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ; trong đó tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của TP Hồ Chí Minh, như: Công nghệ thông tin, kinh tế số, dịch vụ, xây dựng hệ thống logistics. Quan tâm giới thiệu các DN lớn của TP Hồ Chí Minh tham gia đầu tư tại các tỉnh. Tổ chức các hội nghị xúc tiến chuyên đề, đẩy mạnh quảng bá, thu hút DN của TP Hồ Chí Minh đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp của vùng. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các chiến dịch quảng bá du lịch chung giữa các địa phương, thu hút du khách trong và ngoài nước… Thúc đẩy, tăng cường các chuyến bay đến và đi giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng để tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, khách du lịch, nhân dân di chuyển thuận lợi, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển, đầu tư mới.
Còn ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho rằng, từng địa phương cần phải nâng cao nhận thức của bộ máy quản lý nhà nước về liên kết phát triển vùng và hiệu quả liên kết. Liên kết các địa phương trong vùng với TP Hồ Chí Minh cần theo hướng phát triển vùng và liên kết vùng, tránh tư duy “duy trì cơ cấu sản xuất khép kín” hay “phát triển kinh tế khép kín”.
Trong khi đó, ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng, để thỏa thuận hợp tác có hiệu quả, điều cần nhất là sự hợp tác có chiều sâu giữa TP Hồ Chí Minh với từng tỉnh dựa trên những thế mạnh riêng.
“Hiến kế” cho phát triển hợp tác TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng, TS Trần Du Lịch- Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khuyến nghị hình thành vùng kinh tế liên hoàn qua kết nối trục giao thông ven biển. Các địa phương trong vùng phải cùng nhau sớm nhất nối kết đường ven biển đi từ Bình Thuận tới Quảng Ngãi và xa hơn là nối kết với Quảng Nam, Đà Nẵng để tạo động lực phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ, 100 DN, hiệp hội, HTX của TP Hồ Chí Minh và 6 tỉnh trong vùng đã tổ chức gian hàng trưng bày các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của địa phương mình.
- Trong ảnh: Đại biểu các tỉnh tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm thế mạnh của Bình Định. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Cần hệ sinh thái về pháp lý, môi trường kinh doanh
Trong khuôn khổ hội nghị sơ kết, Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã có buổi làm việc, gặp gỡ lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên để trao đổi, đề xuất đầu tư tại mỗi tỉnh 1 trung tâm thương mại, tối thiểu 2 siêu thị tổng hợp. Đồng thời, Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh cũng đã gặp gỡ, làm việc với Sở Công Thương, Sở KH&ĐT Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên về đề xuất đầu tư tại mỗi tỉnh 20 cửa hàng Bách Hóa Xanh và phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững tại địa phương. Đây là tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng thương mại cho các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ.
Đưa ra nhu cầu và giải pháp phát triển hệ thống phân phối tại các tỉnh trong vùng, ông Trần Thanh Danh - Giám đốc bán hàng toàn miền Trung, Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh, cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và ngành chức năng trong việc thúc đẩy quy trình cấp phép nhanh chóng, liên quan đến xây dựng và an toàn thực phẩm; giới thiệu nhà cung cấp và các sản phẩm phù hợp với chiến lược chung…
Trong khi đó, là DN của Bình Định được hưởng lợi từ nhiều chính sách xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường và hỗ trợ cơ sở hạ tầng từ hợp tác, ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty CP IPP Sachi, đề nghị tiếp tục được tạo điều kiện, hỗ trợ để DN có thêm cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, tăng cường hợp tác với DN tại TP Hồ Chí Minh.
TS Trần Du Lịch gợi mở, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng nên xây dựng một hệ sinh thái chung về môi trường kinh doanh, cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư; hợp tác trong cải cách hành chính, giúp DN và nhà đầu tư không gặp khó khăn, bỡ ngỡ khi tiếp cận.
Ông Dương Ngọc Hải đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, đồng lòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của địa phương tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị của TP Hồ Chí Minh, tập trung triển khai thực hiện tốt chương trình hợp tác giai đoạn 2024 - 2025 với 11 sự kiện cấp vùng và 11 nội dung hợp tác song phương. Trong đó, tập trung các lĩnh vực trọng tâm như thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương, đẩy mạnh xuất khẩu; liên kết phát triển du lịch; hỗ trợ phát triển y tế, GD&ĐT… Các địa phương quan tâm tạo điều kiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, vì đây là lực lượng triển khai hiệu quả liên kết nhất.
“TP Hồ Chí Minh cam kết luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình phát triển KT-XH nói chung và hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các địa phương trong vùng”, ông Hải nhấn mạnh.
MAI HOÀNG